“Đa số học sinh đều không đủ ăn, 5-6 em chung nhau một gói mì, nấu nhiều nước rồi húp cho no bụng. Dẫu vậy, học sinh vẫn cố bám trường, bám lớp”, cô Hoàng Thị Huyền, Yên Bái – chia sẻ sau gần chục năm dạy học ở vùng cao.
Là một trường thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái -, Tiểu học dân tộc nội trú Nậm Lành có hơn 300 em học sinh đều là người dân tộc Dao, Thái, Mông. Hai phần ba trong số đó là con em hộ nghèo, gần 100 em có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Theo tập quán và điều kiện thực tế, người dân tộc thường sinh sống và canh tác trên núi. Vì vậy, để học sinh bám trường, bám lớp, hầu hết trường vùng cao đều phải xây dựng nhiều điểm trường ở sâu trong núi. Đơn cử, Tiểu học nội trú Nậm Lành và Nậm Mười, huyện Văn Chấn, Yên Bái – đều có đến 4-5 điểm trường như Tà Lành, Ngọ Lành, Làng Cò, Khe Kim… Dẫu vậy, đường vào đây còn rất khó khăn, hiểm trở, để đi học, nhiều em vẫn phải vượt đèo cả chục cây số.
Cặp sách, vở viết, áo ấm là hành trang giúp các em nhỏ vùng cao tiếp tục nỗ lực bám trường học chữ. Ảnh: Xuân Ngọc |
Dạy ở điểm trường Ngọ Lành, nơi chỉ có 26 học sinh người Mông và người Dao theo học và ở lại nội trú, cô Hoàng Thị Huyền cho biết, đa số học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn. Gần chục năm dạy học ở đây, cô đã chứng kiến gia cảnh nghèo khó của nhiều em dân tộc, nhưng không ít trong số đó vẫn cố bám trường bám lớp học cái chữ. Riêng lớp cô đang dạy có 11 em thì quá nửa trong số đó thường xuyên không đủ ăn.
“Bé xíu, lớp một đã tự đốn củi, nấu cơm, 5-6 em chung nhau một gói mì, nấu nhiều nước rồi húp cho no bụng. Cơm với ít ớt dầm muối ăn là ngon rồi”, cô kể.
Cô Vũ Thị Minh Thu, Phó hiệu trưởng của trường Nậm Lành cho biết: thiếu quần áo, sách vở là chuyện bình thường của học sinh vùng cao. Có những em nhà cách xa gần 20km đường đèo, đường núi, các em đi học đều đã là may mắn. Cô kể, trong các giờ học, nhiều em đột nhiên ngất xỉu rồi lịm đi. Biết ngay các em bị đói, có khi mấy ngày chưa ăn gì, cô giáo đi úp gói mì cho ăn, các em mới tỉnh lại. Tình trạng đó với học sinh vùng cao còn không ít, nhất là những lúc giáp hạt.
Cách điểm trường Tà Lành hơn 5km đường núi, em Mùa A Páo, người dân tộc Mông vẫn đi học đều. Kinh tế gia đình chỉ trông vào nghề nương rẫy vốn đã khó khăn, mới đây, cha em qua đời, để lại 3 mẹ con nheo nhóc. “Nhà em Páo thường xuyên trong tình cảnh đói ăn nên sách vở chẳng bao giờ đầy đủ, nhà chẳng có gì đáng giá đến 100.000 đồng”, cô Thu nói.
Gia cảnh khó khăn của em Mùa Thị Khách, người dân tộc Dao. Ảnh: Xuân Ngọc |
Còn bước vào nhà em Mùa Thị Khách, người dân tộc Dao, những ngày này, ai cũng thấy nồng lên một mùi hôi khó chịu. Hỏi ra mới hay, đó là thịt trâu chết gác bếp nhà em được ông chú cho. “Nhà chẳng còn gì ăn, hôm rồi nhà chú có con trâu lăn ra chết nên xin được một miếng”, mẹ em kể lại. Nhà nghèo vậy nhưng Khách rất hiếu học. Cô bé chỉ muốn đi học, thích đến trường hơn ở nhà. Cô Hoàng Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 4C, nơi Khách đang theo học nhận xét: Mùa Thị Khách có sức học rất khá. Nhà nghèo nhưng em chăm chỉ, đi học đều, viết chữ đẹp.
Để giúp trẻ em vùng cao bớt khó khăn và có thêm động lực theo đuổi con đường đến trường, mới đây, Công ty Canon Marketing Việt Nam đã tiếp tục thực hiện chương trình từ thiện “Canon – Vì thế hệ tương lai 2013”, tài trợ hàng trăm suất quà cho học sinh trường Nậm Lành và Nậm Mười cũng như những điểm trường ở huyện Văn Chấn, Yên Bái -.
Tình nguyện viên của chương trình hướng dẫn các em nhỏ chụp ảnh để in những tác phẩm đầu tay. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Mỗi em được nhận gạo tẻ, cặp học sinh, vở, bút viết, dép, áo gió chống rét… Các ngôi trường này còn được tặng máy ảnh, máy in ảnh, máy tính xách tay, loa… để chăm lo tốt hơn cho đời sống tinh thần của các em. Điểm mới của chương trình năm nay là sự chung tay góp sức của các bạn tình nguyện viên, trong đó có Á hậu Việt Nam 2012 Tú Anh. Ngoài trao quà, các bạn trẻ còn hướng dẫn các em nhỏ chụp ảnh, giao lưu và in ảnh tặng các em ngay trong chương trình. Tổng số tiền tài trợ lên đến hơn 200 triệu đồng.
Đây là năm thứ 5, “Canon – Vì thế hệ tương lai” được Canon thực hiện tại Việt Nam. Dự kiến năm nay, chương trình sẽ đi tặng quà từ thiện cho 10 trường vùng sâu vùng xa. Những năm qua, doanh nghiệp này đã trao hàng trăm suất học bổng, tài trợ cho gần 50 trường học khó khăn ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bến Tre, Tiền Giang…
Xuân Ngọc