Bị cho là hâm nhưng ông Đỗ Lê Thắng ở Yên Bái – vẫn quyết tâm trở thành sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông (hệ từ xa) khi đã 63 tuổi.
Học hệ từ xa nên ông Thắng chỉ xuống Học viện Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) theo từng đợt vào kỳ thi và các bài học cơ bản. Trường cho bài tập điều kiện về nhà làm nên có đợt một tháng ông về Hà Nội 4 lần, tuần học hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Thời gian còn lại “sinh viên năm nhất” ấy lại bận rộn với công việc của tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ.
Ngày còn trẻ, ước mơ lớn nhất của ông Thắng là học đại học, nhưng chưa thể thực hiện. Đến khi có gia đình riêng, vất vả kiếm tiền nuôi dạy 5 người con trưởng thành khiến ông đành gác lại ước mơ ấy lần nữa. Sau thời gian làm công nhân xí nghiệp mộc xẻ Sông Hồng, tỉnh Yên Bái -, ông Thắng về nghỉ chế độ mất sức từ năm 1990 và bắt đầu tư vấn bảo hiểm.
Cuối năm 2012, con gái út của ông Thắng làm ở Bưu điện tỉnh Yên Bái – nói chuyện với bố về Học viện Bưu chính Viễn thông mở lớp đào tạo từ xa. Không do dự, ông làm hồ sơ dự tuyển và được đi học. Thích kinh doanh nên ông đăng ký theo học ngành Quản trị Kinh doanh của học viện. Thời gian học kéo dài 5 năm, nhưng lịch học thuận lợi cho ông vừa làm vừa học.
Nhớ lại kỳ học đầu tiên cùng con cháu lo ôn thi điều kiện, ông Thắng cười khề khà: “Đã lâu lắm rồi, khoảng 46 năm mình mới đụng đến sách vở. Kiến thức rơi rụng nhiều, phải ôn luyện khá vất vả mới vượt qua được các môn”.
Ngày xuống Hà Nội nhập học, chưa quen đường sá nên đã bị xe ôm ở bến xe “chặt chém”. Sau này khi đã quen, ông đi xe buýt từ bến đến trường. Do không xuống học thường xuyên nên ông Thắng không thuê nhà trọ mà vào ở trong ký túc xá của trường cho tiện. Vào học, ông mới biết ở lớp có tới 6-7 đồng hương ở Yên Bái – và Lào Cai.
Thấy người đàn ông tóc bạc trắng đi học, nhiều người bảo ông “hâm”, già rồi đi học cho khổ, mang tấm bằng về giải quyết được gì, thà ở nhà nghỉ ngơi còn hơn. Nhưng cũng không ít người thán phục ông. Về phía gia đình, 5 người con (3 trai 2 gái) của ông đều có gia đình và ở riêng, biết bố học đại học đã tới động viên thăm hỏi. Hiện tại, ông vẫn tự lo được kinh tế và chưa phải phiền đến con cái.
Ông Thắng cho hay, lớp có hơn 20 sinh viên, đa phần là U20 hoặc U30, chỉ có một số U40 và duy nhất ông là U70. Không có bạn già học cùng cũng thấy lẻ loi nhưng ông luôn được sinh viên cùng lớp tôn trọng. “Nhiều cháu chia sẻ định không theo học nhưng nói có bác già trên 60 tuổi vẫn đi học nên lại tham gia. Việc người già đi học cũng là sự động viên lớp trẻ vươn lên”, ông Thắng tâm sự.
“Sinh viên” này thừa nhận, năm đầu còn bỡ ngỡ, đôi lúc không theo kịp các bạn trẻ. Nhưng ông thấy vui vì cùng lớp với người trẻ giúp ông học hỏi ở họ sự vui vẻ, hoạt bát và tiếp thu nhanh. Ông quan niệm, người già chậm chạm nên phải siêng năng để bù lại. Ở nhà, ông dành 2 tiếng một ngày tự học, đọc lại tài liệu và tập trung vào bài tập điều kiện. Vào đợt thi, ông chủ yếu học trong sách và tài liệu của nhà trường cung cấp. Nếu khó, ông mang sách tới hỏi những người học khóa trước hoặc các cử nhân đã đỗ đạt để bổ túc và học hỏi kiến thức từ họ.
Kết thúc học kỳ 1, ông Thắng tự hào khoe thành tích “tạm ổn” với các môn đạt điểm trung bình và không phải thi lại môn nào. Sau khi tốt nghiệp, ông dự định sẽ nâng cao nghiệp vụ tư vấn bảo hiểm và áp dụng kiến thức được học vào công việc kinh doanh xưởng mộc của gia đình.
“Học được là tốt, làm bất cứ việc gì cũng cần phải học, chỉ tiếc tuổi già phục vụ gia đình, xã hội không còn được nhiều thời gian. Các bạn trẻ đang có lợi thế, đừng để lãng phí thời gian, sức lực vào những việc vô ích để đến khi về già không phải ân hận vì đánh rơi cơ hội”, ông Thắng nói.
Nhắc tới học viên đặc biệt này, chị Nguyễn Thị Thu Hà, lớp trưởng lớp đại học từ xa của ông Thắng, tỏ ra khâm phục. Chị cho hay, hôm đầu tiên cầm danh sách lớp, tưởng mình nhìn nhầm, chị phải gọi điện lại cho ông Thắng để xác nhận thông tin. Ban đầu các thầy cô và bạn bè trong lớp cũng nghĩ chắc năm sinh bị đánh sai, nhưng sau khi biết chuyện, ai nấy đều nể phục, quý mến sinh viên này.
Theo chị Hà, ở lớp, ông Thắng luôn ngồi bàn đầu và học nghiêm túc. Lớp học trình chiếu nên ông thường xuyên mang theo máy ảnh để chụp lại những bài giảng hay về xem lại. “Bác Thắng là tấm gương hiếm có. Bác ấy tư duy tốt, nhất là với những môn nghị luận, chính trị nên điểm thi thường rất cao. Mặc dù học hệ từ xa nhưng bác khiến tất cả sinh viên trong lớp có thêm động lực học tập. Nhìn bác có tuổi mà vẫn chăm chỉ vượt mấy chặng xe đi học, bản thân tôi nhiều khi nản học cũng phải nghĩ lại”, chị Hà chia sẻ.
Bình Minh