Hai con trai sinh đôi, bé lớn bị hẹp van tim, bé nhỏ ung thư máu, tháng nào vợ chồng chị Hoa ở Yên Bái – cũng phải gom góp từng đồng cho con đi viện.
Trên băng ghế phòng khám Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, bé Minh Tú 6 tuổi thiếp đi mê mệt. Khuôn mặt em kháu khỉnh nhưng nước da sạm, môi thâm, hơi thở yếu ớt. Vừa đi đêm xuống Hà Nội, lại phải lấy máu xét nghiệm nên cậu bé lả người. Chị Hoa tranh thủ chạy đi mua thuốc. Khi quay lại cậu bé cũng tỉnh, em ăn hai bánh mì ngon lành. Đợi có kết quả khám, hai mẹ con lại bắt xe đêm về nhà ở một xã vùng sâu thuộc huyện Yên Bình, Yên Bái -.
Trong bệnh án của bệnh viện, bé Phạm Minh Tú sinh năm 2008, bị bệnh Lơxêmi cấp dòng Lympho thể L12 từ năm 2011. Sau 2 chặng điều trị với thời gian 3 năm, hiện nay Tú chuyển sang phác đồ định kỳ, mỗi tháng một lần xuống bệnh viện khám và uống thuốc.
“Các bác sĩ bảo chỉ cần kiên trì điều trị con sẽ sống lâu được. Bây giờ sức khỏe của con cũng tốt hơn mấy năm trước”, chị Hoa chia sẻ.
Năm 1998, chị Hoa và anh Nguyễn Văn Hòa kết hôn, được bố mẹ chồng dựng cho một ngôi nhà, một gian bếp bằng gỗ và 2 sào ruộng. Đôi vợ chồng trẻ có con trai đầu lòng. Cuộc sống thuần nông vẫn có đồng ra đồng vào. Mười năm sau chị Hoa mới có ý định sinh con tiếp. Lần này chị mang thai đôi nhưng sinh non chưa đầy 7 tháng. Hai bé Tuấn và Tú phải nuôi trong lồng kính khoảng 4 tháng. Chị Hoa lại mất sữa, các con phải ăn sữa ngoài. Từ đây cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc.
Người mẹ tâm sự, thể trạng các con đã yếu,lại không được ăn uống đầy đủ. Năm 2 tuổi bé Minh Tuấn hay tím tái mặt mày, khó thở, đầu to, mặt quắt như bị suy dinh dưỡng, bác sĩ xác định cháu bị hẹp van tim. Thuốc thang chạy chữa cho Tuấn được khoảng 6 tháng thì đến lượt em Tú ngã bệnh.
Hàng tháng trời, cứ đêm về là Tú la khóc, không ngủ được. Chị Hoa vẫn nhớ những đêm cùng chồng thay nhau bồng con đi dạo, hết sức dỗ dành. Chân Tú teo tóp, còn đầu gối phình to. Đến một ngày bé đau quằn quại phải chuyển xuống các bệnh viện ở Hà Nội. Đi cả chục bệnh viện vẫn không tìm ra em bị bệnh gì. Sau đó Tú bị lên hạch khắp cổ to như quả trứng, xét nghiệm máu, chọc tế bào vẫn không phát hiện điều bất thường. Cuối cùng, các bác sĩ chọc tủy tìm ra nguyên nhân: Cậu bé đã mắc phải căn bệnh ung thư máu.
“Khi bác sĩ nói con bị bệnh bạch cầu cấp, tôi vẫn bình thường, nhưng khi biết đó chính là ung thư máu, máu trắng thì tôi như người mất hồn, rồ lên ôm con chạy khắp Hà Nội. Tôi không nhớ đã chạy tới những đâu. Đến đêm bình tĩnh lại, các giấy tờ bệnh án đã bị rơi trên đường”, chị hồi tưởng trong lặng lẽ.
Từ lúc lên 3, bé Nguyễn Minh Tú điều trị ở Viện Huyết học – Truyền máu trung ương. Bé được hưởng bảo hiểm trẻ em nhưng chi phí đi lại, ăn ở, cộng với tiền thuốc thang khiến gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Hai sào ruộng cộng với ngôi nhà gỗ phải dỡ bán được hơn 20 triệu đồng và thuốc thang vài tháng là hết.
“Có những bận mang con đi mà trong người chỉ có vài trăm nghìn. Để giải quyết khó khăn trước mắt vợ chồng tôi bàn nhau bán máu. Nếu hai vợ chồng cùng bán mỗi người 350 ml thì cũng được khoảng 1,2 triệu đồng để mua thuốc cho con, còn mình mua suất cơm rau ăn thôi”, anh Hòa cho biết thêm. Anh Hòa bán máu khoảng chục lần, còn vợ 7 lần.
Không biết bao lần chị Hoa, anh Hòa tuyệt vọng nói với nhau chỉ có cách cả nhà ôm nhau cùng chết mới thoát khỏi cảnh khổ này. Khi nhìn sang những đứa con yêu ngày một khá hơn, họ lại có động lực kiên trì. Hiện tại vợ chồng chị Hoa dồn sức vào chạy chữa cho bé Tú, còn bé Tuấn chỉ dám cho uống thuốc nam.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng công an xã Đại Minh (Yên Bình, Yên Bái -), gia đình chị Hoa là hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã. Vì nghèo nên các cháu cũng không được chữa bệnh đến nơi đến chốn. “Năm nay hai bé Tuấn và Tú sẽ hết bảo hiểm trẻ em, sợ rằng khi đó gia đình khó chống đỡ được nữa”, ông Hùng nói.
Phan Dương