YênBái – Yên Bái có 186 công trình hồ chứa nước thủy lợi. Phần lớn được xây dựng từ năm 1960 – 1970, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng.
Yên Bái có 186 công trình hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có 133 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 hoặc có chiều cao đập từ 5 mét trở lên, 53 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 và có chiều cao đập từ 5 mét trở xuống. Phần lớn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ năm 1960 – 1970, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng.
Để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo, kiện toàn các ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện, xã; chú trọng chỉ đạo ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của các xã có hồ chứa trên địa bàn, phối hợp với các chủ hồ để chỉ đạo điều hành và quyết định khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Hàng năm, lập phương án phòng chống thiên tai, trong đó có phương án phòng, chống lũ lụt hạ du và di dời người và tài sản khi có sự cố xảy ra. Đối với các hồ chứa lớn như hồ Từ Hiếu (Lục Yên), Đầm Hậu (Trấn Yên), các đơn vị đã có phương án phòng chống lũ lụt riêng cho hạ du; đối với các hồ nhỏ, đơn vị quản lý lập phương án phòng chống thiên tai chung với địa phương.
Theo nhận định của chuyên gia khí tượng thủy văn, năm 2021 sẽ là năm bất thường về thời tiết, cần đề phòng tình trạng đa thiên tai nếu các cơn bão xảy ra đồng thời, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ… Do vậy, các đơn vị được giao quản lý và vận hành hồ chứa cần thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra.
Đối với hồ chứa có cửa van tràn xả lũ, phải thường xuyên kiểm tra, vận hành thử cửa van và các thiết bị cơ khí bằng điện lưới và máy phát điện dự phòng; chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão; xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập; xây dựng phương án bảo vệ công trình;
Thường xuyên kiểm tra công trình thông qua phân tích, đánh giá tài liệu đo đạc, quan trắc đập và bằng trực quan hiện trường; kiểm tra định kỳ trước và sau mùa mưa lũ; tiến hành kiểm tra đột xuất; giám sát việc quản lý an toàn đập theo quy định. Đồng thời, chuẩn bị phương án phòng, chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị cọc tre, bao cát sỏi để gia cố các chân hồ, đập và những điểm có nguy cơ cao bị rò rỉ nước, sạt trượt mái.
Mặt khác, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cần củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và khai thác hồ chứa cho cán bộ, nhân viên; thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời; rà soát điều chỉnh xây dựng phương án phòng chống thiên tai từng hồ chứa và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện dự phòng, bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra.
Quang Thiều