YênBái – Với sự phát triển của công nghệ, trẻ em đang ngày càng sử dụng máy tính, điện thoại di động kết nối Internet nhiều hơn. Bên cạnh những lợi ích, nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho trẻ em cũng tồn tại song song.
Giờ đây, xã hội đang lo lắng trước tình trạng trẻ em bị xâm hại qua mạng ngày càng nhiều. Bởi trên mạng, những tội phạm xuyên quốc gia dễ dàng che giấu danh tính và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo một báo cáo của UNICEF thì có tới gần 80% thanh, thiếu niên có nguy cơ bị xâm hại. Một số em thậm chí bị hẹn hò và bị xâm hại ngoài đời thực.
Ở Yên Bái, chưa phát hiện trường hợp trẻ bị xâm hại qua mạng, nhưng với sự phát triển của đời sống, công nghệ, ngày càng nhiều trẻ em ở Yên Bái được tiếp cận với các thiết bị hiện đại và mạng xã hội nên nguy cơ tiềm ẩn là rất cao nếu chúng ta – những người lớn không có cách can thiệp kịp thời.
Thật đáng tiếc khi vẫn có những bậc cha mẹ đang nghĩ rằng trẻ có thể bị dụ dỗ mồi chài qua mạng thật nhưng để kẻ xấu tiếp cận và thực hiện hành vi ngoài đời thực còn xa.
Tuy nhiên, những kẻ xâm hại trẻ em không bao giờ dừng lại, chúng sẽ tiến tới đến khi nào lạm dụng được.
Những thủ đoạn của chúng là thu thập càng nhiều thông tin về trẻ em càng tốt, tiếp cận, tạo lòng tin, tặng quà, lời khen rồi đặt vấn đề chia sẻ hình ảnh rồi sử dụng những hình ảnh đó để khống chế lại trẻ em thực hiện theo yêu cầu của chúng như chat sex, hay chia sẻ hình ảnh khiêu dâm, hơn nữa có thể tham gia vào các đường dây mua bán dâm.
Cha mẹ nhà trường đều có thể tăng cường giám sát để kiểm soát hành vi của con em nhưng những hoạt động trên mạng thì khó có thể kiểm soát. Các chuyên gia cho rằng, cần trang bị cho trẻ những nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn trên Internet.
Nhưng trẻ phải làm thế nào để tự bảo vệ mình lại là vấn đề khó. Nhiều cơ quan, tổ chức tại Yên Bái đã tiến hành tập huấn cho trẻ em kiến thức về an toàn trên mạng Internet với một số đối tượng một số vùng và mong muốn trẻ em sẽ lan tỏa đến với nhiều bạn nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, có rất nhiều đường dây nóng, các chiến dịch bảo vệ trẻ em được thiết lập để trẻ em tự tiếp cận báo cáo những trường hợp xâm hại như đường dây nóng 18001567 của Việt Nam ra đời từ năm 2004. Những cuộc gọi đến đường dây nóng sẽ được can thiệp và kết nối với các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp. Hơn cả cha mẹ cần vào cuộc một cách tích cực để giúp con cái.
Trong một nghiên cứu, có tới 70% con em giỏi kiến thức Internet hơn cha mẹ, tuy nhiên cha mẹ cũng cần có những biện pháp giúp đỡ con em mình như dành thời gian tìm hiểu về thiết bị, các ứng dụng trên Internet; cùng đưa ra nguyên tắc không được sử dụng máy tính, điện thoại trong phòng ngủ; sử dụng các phần mềm lọc những thông tin không phù hợp với độ tuổi.
Đặc biệt, cha mẹ hãy trở thành những người bạn tin cậy mà trẻ có thể chia sẻ những vấn đề tế nhị. Đồng thời, có thể tạo những tài khoản trên mạng xã hội thông qua các tài khoản email mình quản lý, kết bạn với con để biết được con mình đang làm gì trên mạng và trò chuyện với những ai. Cha mẹ không tiết lộ thông tin của trẻ trên mạng xã hội.
Mỗi tối, hãy kiểm tra con mình đang làm gì, đang chat với ai trên mạng xã hội. Có thể con vẫn đang trong nhà, trong phòng, trông có vẻ yên tâm, nhưng những gì diễn ra đằng sau ô cửa chat thì không hề yên ổn chút nào.
Thanh Ba