YênBái – Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trên địa bàn tỉnh Yên Bái có diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, các vụ XHTDTE đều có tính chất nghiêm trọng, hệ lụy để lại rất lớn và có chiều hướng gia tăng.
Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2020, toàn tỉnh có 19 vụ; năm 2021 xảy ra 24 vụ XHTDTE – đây là thực trạng đáng báo động. Thực tế, phần lớn số vụ được phát hiện cho thấy, những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân.
Tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, nguyên nhân số vụ XHTDTE diễn biến phức tạp: một số em sinh ra trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, kết cấu gia đình không đầy đủ (mồ côi hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân…) hoặc do tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác của cha mẹ đã dẫn đến nhiều vụ xâm hại trẻ em đáng tiếc; phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục giới tính cho trẻ em còn chưa phù hợp; phương pháp giáo dục của cha mẹ chưa đúng đắn, phù hợp…
Thêm vào đó, việc phát hiện và xử lý các vụ XHTDTE là rất khó khăn như: thu thập chứng cứ không đủ, vụ việc thường xảy ra chỉ có người xâm hại và trẻ em bị xâm hại, không có người làm chứng.
Đồng thời, đối tượng xâm hại trẻ em thường đe dọa bằng nhiều hình thức như dọa giết hay đưa clip lên mạng… nên khi sự việc xảy ra một thời gian, hoặc là do gia đình phát hiện tâm lý thay đổi của trẻ, hoặc là hậu quả xảy ra gia đình động viên, gặng hỏi trẻ mới dám kể lại.
Hay như nhiều trường hợp, khi phát hiện thì kẻ xâm hại không thừa nhận các hành vi; gia đình nạn nhân thì không tìm cách khắc phục cho trẻ, hoặc đi giám định mà chỉ tập trung vào việc đúng sai, vì ngại ngần nên chỉ giải quyết góc độ 2 gia đình, cho đến khi quá bức xúc mới đưa trẻ đi giám định thì lúc đó đã không còn dấu vết để xử lý. Đó cũng là những khó khăn cho quá trình thu thập thông tin, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử…
Mặt khác, do sợ ảnh hưởng tới học tập, tương lai lâu dài của trẻ nên các gia đình thường chọn phương án im lặng, không tố cáo nghi phạm với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi XHTDTE thiếu chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe và chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình hình XHTDTE trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chương trình về triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE).
Theo đó, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể chú trọng phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVCSTE, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp về công tác BVCSTE; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi….
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu về BVCSTE; thay đổi nội dung, hình thức triển khai các hoạt động BVCSTE; phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện; triển khai các hoạt động tập huấn, giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa XHTDTE cho người quản lý, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ… Đặc biệt, một trong những giải pháp hữu hiệu đó là tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội trong ngăn chặn tình trạng XHTDTE.
Trần Minh