YBĐT – Hôm nay, ngày 7/4, là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Ngày này được tổ chức hàng năm là điểm nhấn của một phong trào nhân đạo có ý nghĩa xã hội to lớn.
Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện ở Yên Bái phát triển mạnh mẽ với sự tham gia thường xuyên, tích cực của các tình nguyện viên, sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành.
Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện tổ chức hàng năm là điểm nhấn của một phong trào nhân đạo có ý nghĩa xã hội to lớn. Trong vòng 5 năm qua, Yên Bái đã vận động, tiếp nhận gần 70.000 đơn vị máu. Lượng máu vận động và tiếp nhận tăng hàng năm, nếu như năm 2010 toàn tỉnh tiếp nhận 1.146 đơn vị máu thì năm 2015 đã tăng lên 2.296 đơn vị.
Trong đó, số đơn vị máu hiến trong các đợt tổ chức tiếp nhận tập trung tăng từ 126 đơn vị lên gần 500 đơn vị. Đến năm 2016, toàn tỉnh đã vận động được 23.000 đơn vị máu, đạt gần 148% so với kế hoạch năm, đáp ứng 65% nhu cầu cấp cứu và điều trị cho người bệnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức, vận động toàn dân hiến máu tình nguyện ở Yên Bái cũng còn những hạn chế, khó khăn, cần có sự tập trung quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, đổi mới phương thức vận động, tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở.
Lượng máu vận động, tiếp nhận hàng năm vẫn chủ yếu thông qua các đợt cao điểm, việc hướng dẫn tuyên truyền hầu hết vẫn diễn ra ở các chương trình hiến máu tập trung, còn rất nhiều người nhận thức chưa đầy đủ, chưa chủ động, tích cực hưởng ứng và tham gia vào phong trào hiến máu tình nguyện.
Người tham gia hiến máu chủ yếu là đối tượng thanh niên, sinh viên. Chất lượng hoạt động của một số ban chỉ đạo cấp huyện và xã chưa cao, kinh phí hoạt động cho ban chỉ đạo ở các cấp này chưa thoả đáng…
Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm nay là dịp để các cấp, các ngành, mỗi người dân nhận thức sâu hơn về ý nghĩa to lớn của một phong trào nhân đạo có tính xã hội sâu sắc. Để phong trào ngày càng phát triển, hiến máu tình nguyện trở thành việc làm thường xuyên, cần tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, tăng cường sự phối hợp của các thành viên ban chỉ đạo.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về hiến máu tình nguyện cần có sự đổi mới, thường xuyên, liên tục, đa dạng. Cần có sự quan tâm, hỗ trợ từng bước thoả đáng cho các tuyên truyền viên, tình nguyện viên để xây dựng những hạt nhân nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện…
Hiến máu cứu người – mỗi cá nhân, mỗi tập thể, cơ quan, đơn vị, các nhà quản lý và cộng đồng cần hăng hái hơn nữa, hưởng ứng, tham gia tích cực hơn nữa phong trào hiến máu tình nguyện. Hiến máu cứu người – là bổn phận thiêng liêng của mỗi chúng ta.
Thạch Phong