YênBái – Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) – phòng chống cháy nổ (PCCN) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần ổn định phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác ATVSLĐ vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đơn cử như việc báo cáo về tai nạn lao động (TNLĐ) mới có khoảng 20-25% doanh nghiệp thực hiện, còn lại rất nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành. Do vậy, việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên địa bàn toàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi, một bộ phận lớn công nhân Yên Bái trực tiếp lao động ở các doanh nghiệp là lao động nông thôn chưa qua đào tạo, trình độ nghề nghiệp, ý thức kỷ luật còn hạn chế, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng về đảm bảo ATVSLĐ nên nguy cơ về TNLĐ còn cao.
Vì vậy, việc thực hiện quy định về ATVSLĐ – PCCN cần phải được các cơ quan chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đảm bảo người lao động (NLĐ) được làm việc trong môi trường an toàn.
Để các quy định về ATVSLĐ – PCCN theo quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động NLĐ ký kết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; các doanh nghiệp cần quan tâm cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, nhất là kiểm soát và kiềm chế TNLĐ ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao như: khai thác khoáng sản, xây dựng, điện lực, sản xuất xi măng. Hàng năm, cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đối với công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh các kiến thức về: chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; quy trình, trình tự tiến hành điều tra TNLĐ tại doanh nghiệp, đơn vị.
Nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, NLĐ đối với công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng cháy chữa cháy, Bộ Luật lao động, các nghị định, thông tư hướng dẫn công tác ATVSLĐ – PCCN.
Cùng với đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động đảm bảo ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; Chương trình quốc gia về ATVSLĐ; Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Đảm bảo ATVSLĐ – PCCN là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của chính mỗi NLĐ. Thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ – PCCN, phòng ngừa TNLĐ sẽ góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.
Minh Huyền