YBĐT – Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là chúng ta đón tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Chăm lo tết cho người nghèo khó, đối tượng xã hội, gia đình chính sách và cả những người dân vừa ra khỏi thiên tai của năm 2017 là công việc mà các cấp, các ngành phải tập trung thực hiện trong thời gian này.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là chúng ta đón tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đây là khoảng thời gian để mọi người, mọi nhà sum vầy vui vẻ bên nhau sau một năm bận rộn.
Kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Yên Bái theo đó được nâng lên rất nhiều. Không còn những buồn vui khi mỗi gia đình phải lo đến cân thịt, hộp mứt, cái bánh như một thủa. Nay thì đến ngày ba mươi đi sắm vẫn có tết đủ đầy, sang trọng. Ăn tết đã dần chuyển thành chơi tết tự bao giờ.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, mọi nhà đều được như vậy. Đâu đó vẫn còn những gia đình nghèo khó. Vẫn còn những ông bố, bà mẹ phải chật vật lo ăn, lo mặc cho con. Không ít người tất bật đến tận giờ phút cuối cùng của năm cũ để cả nhà có thịt mỡ dưa hành theo đúng nghĩa là tết…
Chăm lo tết cho người nghèo khó, đối tượng xã hội, gia đình chính sách và cả những người dân vừa ra khỏi thiên tai của năm 2017 là công việc mà các cấp, các ngành phải tập trung thực hiện trong thời gian này. Vấn đề đặt ra là làm sao mọi người, mọi nhà đều phải có tết, có tết thật vui vẻ.
Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, sự hỗ trợ từ các ngành liên quan và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho công tác an sinh xã hội, dịp này các cấp, các ngành cần khuyến khích sự ủng hộ của các doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm chung tay, góp sức cho người nghèo trong dịp tết.
Cần có tổ chức các hoạt động như “Tết sum vầy”, quyên góp tiền vé cho công nhân, học sinh nghèo về quê. Hoặc tổ chức tết trong các nhà trường bán trú, trung tâm bảo trợ xã hội để các em học sinh dân tộc thiểu số, đối tượng là trẻ mồ côi, cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa có được không khí tết cổ truyền ấm cúng.
Những phần quà của Nhà nước đối với những người có công phải được gửi đến một cách trân trọng; những chế độ trong chính sách an sinh xã hội phải đến tay đúng đối tượng được hưởng. Từ thôn, bản, tổ dân phố phải kiểm đếm, rà soát kỹ lưỡng từng hộ xem ai nghèo khó, tại sao nghèo khó mà có cơ sở đề xuất lên chính quyền xem xét hỗ trợ theo chính sách một cách công bằng.
Quan trọng hơn, là phải xem người nghèo khó thiếu cái gì để vận động giúp đỡ, chia sẻ của ngay những người hàng xóm láng giềng. Cùng với giúp nhau hạt muối, cân gạo, là động viên về tinh thần của tổ chức và cộng đồng, làm cho người nghèo khó thấy tết vui hơn, vượt qua mặc cảm, tự ti và hoàn cảnh, chăm chỉ làm ăn xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cùng với những hoạt động kiểm tra cơ sở, tặng quà tết của lãnh đạo tỉnh và các địa phương, các sở ban, ngành được giao phụ trách xã cần chủ động kế hoạch hướng về cơ sở để thăm hỏi, chúc tết và tặng quà cho đối tượng làm sao thật gần gũi, ân cần.
Các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc đẩy mạnh những việc làm nghĩa tình, chia sẻ với đoàn viên, hội viên của mình trong dịp tết; tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, đón năm mới thật ý nghĩa, tạo không khí phấn khởi ngay trong cộng đồng dân cư.
Điều đầu tiên trong Chỉ thị về tổ chức Tết năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: “Thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách…”.
Đây chính là lúc để tất cả các ngành, các cấp chính quyền, khu dân cư và mỗi người khẩn trương vào cuộc để khẳng định tinh thần vì cộng đồng, khẳng định một tết an lành, hạnh phúc sẽ đến với mọi người, mọi vùng quê Yên Bái khi xuân về.
Quang Tuấn