YBĐT – Trên cả nước đã có 23 tỉnh, thành xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Tại hai tỉnh giáp ranh Yên Bái là Lào Cai và Phú Thọ đã công bố xuất hiện dịch A/H5N1.
Hai tháng qua, tại Trung Quốc đã có hơn 340 trường hợp mắc cúm gia cầm, tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013. Nước ta có chung đường biên giới và có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây – nơi đã ghi nhận các trường hợp người nhiễm cúm A/H7N9.
Thêm vào đó, việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Trong khi đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Svay Rieng – Campuchia… Vì vậy, khả năng dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây truyền sang người, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh chỉ đạo, tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi, đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống.
Tỉnh Yên Bái hiện có tổng đàn gia cầm trên 4 triệu con, có hàng trăm trang trại nuôi gà, nuôi vịt thương phẩm quy mô từ 2.000 con trở lên. Tuy Yên Bái chưa phát hiện dịch cúm gia cầm, nhưng trước tình hình dịch bệnh nói trên và trong thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh và côn trùng phát triển khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi suy giảm.
Không thể chủ quan, trên cả nước đã có 23 tỉnh, thành xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Tại hai tỉnh giáp ranh Yên Bái là Lào Cai và Phú Thọ đã công bố xuất hiện dịch A/H5N1. Do vậy, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y phải được tăng cường, thực hiện theo đúng quy định.
Quá trình chăn nuôi, người dân cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn, theo dõi sát tình hình dịch, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh; thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng dịch; tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, chủ động ứng phó khi có dịch, không giấu dịch và áp dụng ngay các biện pháp can thiệp kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, vật tư… sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra.
Tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, người dân và các cấp, các ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng chống dịch bệnh, tránh để xảy ra những thiệt hại do cúm gia cầm gây ra.
Minh Huyền