YBĐT – Mùa đông năm 2017 được dự báo là rất khắc nhiệt, có thể là rét nhất, lạnh nhất trong 100 năm qua. Do vậy, để sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi gia súc phát triển bền vững, hiệu quả, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nhân dân, hướng dẫn người dân phòng chống đói rét cho gia súc.
Chúng ta còn nhớ, đầu năm 2016, các khu vực trong tỉnh chịu một đợt không khí lạnh mạnh đã làm nhiệt độ giảm sâu, dưới 10 độ C. Ở vùng núi cao như Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, có nơi xuống từ -1 đến – 3 độ C.
Trên địa bàn Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã có tuyết rơi, phủ kín đồng ruộng và nhà dân. Huyện Văn Chấn cũng xuất hiện băng tuyết tại các xã Suối Giàng, Tú Lệ, Nậm Búng và Gia Hội. Đợt rét này đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là chăn nuôi.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh đã có 807 con gia súc bị chết rét, trong đó trâu, bò 314 con, bê nghé 391 con, còn lại là dê, ngựa và lợn. Nhiều diện tích cây cối, hoa màu và cây lâm nghiệp bị chết rét, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa và chuồng trại chăn nuôi; nhiều gia súc, gia cầm của người dân bị lũ cuốn trôi…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày qua không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời chuyển rét, nhiệt độ phổ biến 14 – 16 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C. Riêng vùng núi và trung du phía Bắc có nơi rét đậm, tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải nhiệt độ dưới 10 độ C.
Để chủ động ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện số 14/NĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc ứng phó với không khí lạnh và rét đậm. Các cơ quan liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện tăng cường công tác dự báo, thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân, nhất là vùng cao, vùng sâu và vùng xa biết, chủ động phòng tránh.
Căn cứ tình hình thực tế, thời tiết chủ động cho học sinh nghỉ học. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc củng cố chuồng trại, che chắn, giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; đưa trâu bò về nơi trú tránh, không cho làm việc, chăn thả tự do.
Chỉ đạo việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vụ đông, cây ăn quả và các loại cây trồng khác để đảm bảo sinh trưởng và phát triển. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo, hướng dẫn địa phương biện pháp phòng, chống phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp. Do vậy, người dân và chính quyền các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho người, cây trồng và đàn vật nuôi. Cùng với đó, cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân chủ động phòng, tránh những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Đức Toàn