– Ông đánh giá như thế nào về phong trào thi đua của CNVCLĐ vừa qua và hiện nay, thưa ông?
– Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ từ sau khi xuất hiện dịch COVID-19 có một số thay đổi cơ bản.
Thứ nhất là nhận thức về sáng kiến cải tiến đã có bước chuyển biến rất mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã quan tâm tới sáng kiến cải tiến của người lao động trong quá trình làm việc của họ. Có những doanh nghiệp tổ chức chu đáo, bài bản, từ đào tạo, nâng cao nhận thức về phát huy sáng kiến cải tiến trong người lao động, rồi xây dựng hình thành ra các tổ nhóm để đánh giá và tôn vinh kịp thời… Trong và sau đại dịch đã xuất hiện nhiều dạng sáng kiến mang tính thời sự rất cao.
Thứ hai, các cấp công đoàn ngày càng chú trọng hơn trong việc phát hiện các nhân tố mới nhất là đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Nhiều giải thưởng ra đời hoặc nâng cấp các giá trị giải thưởng để kịp thời đúc kết, đánh giá được những điển hình xuất sắc nhất. Quan trọng hơn hết là đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã chú trọng hơn trong những lần công tác tại cơ sở. Cán bộ công đoàn không chỉ làm công việc chuyên môn mà còn trực tiếp lắng nghe và phát hiện ra những nhân tố xuất hiện trong quá trình lao động.
Ví dụ, vừa qua ngành GTVT có biểu dương một nhân vật làm việc 20 năm tại một hạt đường bộ tại cung đường Hoà Bình, Sơn La. Lao động này đã cùng các đồng nghiệp giúp gần 300 người tham gia giao thông gặp khó khăn hoặc bị tai nạn ở trên cung đường mình phụ trách… Chính cán bộ Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam phát hiện và đề cử tôn vinh người lao động này.
Thứ 3, vai trò chủ thể của người lao động trong phát huy sáng kiến cải tiến được trân trọng, đề cao hơn. Theo đó, các cấp công đoàn đã đổi mới cách thức tổ chức các phong trào thi đua. Tiêu biểu đó là Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Tổng LĐLĐVN tổ chức đã mạnh dạn sử dụng công nghệ trong tổ chức thi đua nhằm phát huy vai trò của đoàn viên, CNVCLĐ và tạo cơ hội tốt nhất cho những người trực tiếp tạo ra sáng kiến tham gia các chương trình. Qua đó, tạo nên các phong trào thi đua rất sâu, rộng…
- Theo ông, Chương trình đã có tác động như thế nào đối với đoàn viên, người lao động và xã hội?
– Vinh quang Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao Động 1.5.2004. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng LĐLĐVN, Chương trình “Vinh quang Việt Nam” do Báo Lao Động tổ chức ngày càng trở thành sự kiện có uy tín lớn trong xã hội, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, có tác động tích cực và để lại những dấu ấn tốt đẹp trong xã hội.
Điểm cốt lõi, nét đặc trưng của chương trình vẫn giữ nguyên – đó là đã tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Chương trình phát huy nền tảng ban đầu là các cấp công đoàn đề xuất những điển hình xuất sắc nhất mang tính chất đỉnh cao trong công nhân lao động, dần phát triển không chỉ ở các công đoàn ngành, tổng công ty mà lan rộng trong phạm vi toàn quốc.
Sự thay đổi của Chương trình là không ngừng hoàn thiện về công tác như tổ chức, đề cử, lựa chọn chủ đề hàng năm… nên ngày càng trở thành danh hiệu thi đua đầy tự hào mà những tập thể, cá nhân được vinh danh cảm thấy rất vinh dự. Theo tôi, đối với tổ chức Công đoàn, Chương trình là một hình thức vinh danh đỉnh cao sáng kiến cải tiến của CNVCLĐ. Còn đối với xã hội, Chương trình đã góp phần phản ánh kịp thời, thời sự hơn về những điển hình mới xuất hiện trong cuộc sống, góp phần làm cho phong trào thi đua yêu nước chung của các giai tầng trong xã hội trở nên sinh động hơn. Việc vinh danh, tôn vinh các điển hình tiên tiến đã góp phần quảng bá, lan tỏa rộng rãi hơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống; thông qua những nhân vật tiêu biểu được tôn vinh sẽ truyền cảm hứng làm cho nhiều người có động lực thực hiện được những khát khao, hoài bão…
Xin trân trọng cảm ơn ông.
(Theo LĐO)