YênBái – Ngày 19/4/2019, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Kế hoạch 131 về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019. Theo đó, trong năm nay, Yên Bái phấn đấu giảm 5,8% số hộ nghèo (tương đương 11.689 hộ, riêng hai huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm 8,5%), hết năm 2019, toàn tỉnh còn 11,88% số hộ nghèo.
Kết quả giảm nghèo tại các địa phương trong những tháng đầu năm 2019 đã khẳng định tính đúng đắn của các chính sách giảm nghèo mà Yên Bái thực hiện là tập trung vào các giải pháp lâu dài giúp người dân có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế nhiều năm qua, Yên Bái đã có rất nhiều cố gắng trong công tác giảm nghèo. Tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo song tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao so với bình quân chung của cả nước, số hộ thoát nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Đặc biệt, số hộ nghèo có xu hướng tập trung đông vào các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tại các xã vùng cao.
Nguyên nhân nghèo được xác định do việc bố trí dân cư không hợp lý giữa các vùng; thiếu tư liệu sản xuất, nhất là đất sản xuất; thiếu kiến thức KHKT, ốm đau, bệnh tật hay mắc các tệ nạn xã hội… Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì một bộ phận người nghèo lại có tư tưởng “thích nghèo”, muốn có “sổ hộ nghèo” để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước – vốn dĩ chỉ thuộc về những người thực sự nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi hình thức hỗ trợ từ mang đến cho người nghèo “chiếc cần câu” thay vì “con cá” song một bộ phận nằm trong nhóm hộ nghèo lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không thể hiện được ý chí vươn lên thoát nghèo.
Làm thế nào để thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển trong người dân, nhất là đối với các hộ nghèo để họ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững? Đây thực sự phải là một cuộc cách mạng về mặt nhận thức để người dân tự giác, tự nguyện, có ý chí và quyết tâm thoát nghèo; vận động người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có điều kiện tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy khả năng của bản thân chủ động phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở phải lăn lộn, tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều cách làm hay, sáng tạo để giúp người nghèo thay đổi nhận thức và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ sở. Ở nơi nào, người nghèo không có tư tưởng thoát nghèo thì cán bộ ở đó phải chịu trách nhiệm với cấp trên.
Thực hiện Chương trình hành động 144 và Kế hoạch 131 của Tỉnh ủy Yên Bái về công tác giảm nghèo, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo đã trực tiếp đến khảo sát tại các hộ nghèo để nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của từng hộ.
Từ đó, tổng hợp, lập danh sách cụ thể để bố trí các nguồn lực và phương án hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt là sự hỗ trợ bằng đứng bên cạnh, giúp các hộ thay đổi nhận thức, suy nghĩ, cách làm ăn và thực sự chăm chỉ để sớm thoát nghèo trong năm nay và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Mạnh Cường