Công việc làm tranh đá quý, chế tác vàng bạc, trang sức… đã giúp người dân vùng núi Lục Yên, Yên Bái nâng cao kinh tế, chất lượng cuộc sống.
Lục Yên (Yên Bái) từng được mệnh danh là ‘đất ngọc’ do những năm 90 thế kỷ trước, chính quyền tổ chức khai thác địa chất phát hiện nơi đây có nhiều loại đá quý, chất lượng đá quý được xếp vào hạng tốt nhất thế giới.
Từ đây, ngoài công việc buôn đá quý, nhiều hộ dân Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên mưu sinh, làm giàu bằng các nghề liên quan đến đá quý như làm tranh đá, chế tác vàng bạc, đá quý… Nhờ các ngành nghề này, từ một vùng đất thuần nông, kinh tế khó khăn bộ mặt huyện Lục Yên đã dần thay đổi.
Ông Nguyễn Quốc Dân – Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên, cho biết, trước năm 1989, cuộc sống của người dân địa phương khá khó khăn.
Tuy nhiên từ khi giá trị của đá quý được phát hiện, chú trọng người dân nơi đây đã thay đổi cuộc sống nhờ những công việc liên quan đến đá quý. Không ít người dân từ hoàn cảnh khó khăn đã có thể xây nhà, mua sắm ô tô đi lại…
Những người thợ trong tiệm chế tác vàng bạc ở Thị trấn Yên Thế |
Anh Mai Phú Hoán (SN 1984, quê Thái Bình) lên TT Yên Thế, Lục Yên làm việc tại một cửa hàng chế tác đá quý 2 năm nay.
‘Công việc của tôi là chế tạo nhẫn, dây chuyền… theo mẫu và đá quý mà khách yêu cầu. Thời điểm chúng tôi đắt khách nhất là tháng 8 – 12 bởi đây là mùa cưới hỏi. Các cặp uyên ương đến đây đặt mẫu để làm nhẫn, dây chuyền, đồ trang sức… phục vụ đám cưới rất đông.
Có những ngày cao điểm, chúng tôi phải làm đêm nhưng cũng có những đơn hàng khách không khắt khe về thời gian, thợ có thể làm nhàn hơn’, anh Hoán nói.
Theo anh Hoán, tiền công mỗi sản phẩm khoảng 600 nghìn đồng và họ mất từ 1 – 3 ngày để hoàn thành.
‘Khách mang đá quý tự nhiên đến giao cho chúng tôi làm thì không phải đặt cọc. Nhưng khách đưa đá quý công nghiệp, giá trị thấp đến đặt làm nhẫn, dây chuyền chúng tôi phải yêu cầu đặt cọc.
Bởi nếu khách không quen biết, sau khi chúng tôi hoàn thành hàng, không quay lại lấy sản phẩm thì chúng tôi mất trắng số tiền công’, thợ đá quý nói thêm.
Vị khách đặt nhẫn giá trị nhất trong cửa hàng anh Hoán làm việc là người đưa viên đá quý hồng ngọc trị giá khoảng 500 triệu đồng đến yêu cầu làm một chiếc nhẫn.
‘Ở các vùng khác, không có đá quý tự nhiên, người ta dùng đá quý công nghiệp để trang sức cho vàng. Tuy nhiên ở đây, đá quý nhiều nên vàng chỉ là vật để trang trí, làm nổi bật đá quý.
Ví dụ có những chiếc nhẫn, giá trị vàng và tiền công chỉ khoảng 20 triệu đồng nhưng viên đá quý lên đến hàng trăm triệu. Lúc này, vàng chỉ là vật làm nền cho đá quý’.
Công việc chế tác đưa cho anh Hoán mức thu nhập 10 – 15 triệu đồng/tháng tùy theo lượng sản phẩm làm được.
Thợ chế tác tranh đá quý Lục Yên |
Một nghề khá phổ biến tại đây nữa là nghề làm tranh từ đá quý. Số đá quý đẹp, lớn được các tay buôn đá mua đi bán lại với giá thành cao. Số đá quý vụn, xấu có giá thành rẻ, còn lại sẽ được tận dụng, tán nhỏ để làm tranh.
Để làm được một bức tranh đá quý, người thợ phải trải qua nhiều khâu như sơ chế đá, chuốt đá, chọn đá màu tới vẽ tranh, ghép đá… Cái khó nhất trong tranh đá quý là làm sao để những hạt đá màu li ti lại có thể thể hiện được hình ảnh con người, non nước, thiên nhiên mượt mà mềm mại, sống động, trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Chị Nga (SN 1979, TT Yên Thế) cũng có 2 năm làm tranh đá quý trước khi chuyển sang nghề buôn đá quý.
Chị nói: ‘Đây là công việc không quá nặng nhọc nhưng yêu cầu sự kiên trì, tỉ mỉ. Giá thành bức tranh phụ thuộc vào kích cỡ và loại đá. Ví dụ đá màu đỏ hồng ngọc và đá xanh là đắt nhất, loại đá trắng lại rẻ hơn’.
Một bức tranh đá quý Lục Yên |
Cao điểm nhất của người làm tranh từ đá quý là những tháng giáp Tết. Lúc này nhu cầu của khách mua tranh về trang trí nhà cửa nhiều khiến cho người làm rất tất bật.
‘Thu nhập của chúng tôi cũng tùy thuộc vào công việc. Người giã đá quý để làm tranh khoảng 3- 4 triệu đồng/tháng, người làm tranh (vẽ, tạo hình) được trả từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng tùy vào tay nghề’.
Nguyên liệu làm tranh đá hoàn toàn là đá quý tự nhiên, có màu sắc đẹp, được nhiều khách hàng ưa thích. Với chất liệu hoàn toàn từ đá thiên nhiên trong lòng đất, tranh đá quý Lục Yên đã trở thành một trong những sản phẩm có thương hiệu lớn trên thị trường trong nước và thế giới.
Bài: Lê Thị Hạnh – Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền – Nhóm PV