YBĐT – Theo lịch âm, ngày mai là rằm tháng Bảy (tết Trung Nguyên) – ngày mà theo quan niệm cổ truyền của người dân Việt là ngày xá tội vong nhân. Thời gian này, cũng diễn ra một nghi lễ quan trọng của Phật giáo: lễ Vu Lan – ngày để con cái báo hiếu cha mẹ, là dịp để nhắc nhở tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tấm lòng hiếu lễ, biết ơn công lao các bậc sinh thành dưỡng dục.
Từ những ngày đầu tháng Bảy (âm lịch) tới nay, không khí tết Vu Lan đã lan tỏa. Người người đến chùa để làm lễ cầu an cho ông bà, cha mẹ. Những tình cảm yêu thương, tri ân, báo hiếu bậc sinh thành được con cháu bày tỏ, nét đẹp nhân văn trong ứng xử của con người thông qua sự hiếu thảo được nhân lên.
Nhưng có lẽ, quen thuộc với người dân Yên Bái hơn cả là thủ tục cúng rằm tháng Bảy trong mỗi gia đình. Cái ngày được mỗi người biết đến với quan niệm của người xưa là “cửa địa ngục” sẽ được mở ra và vong linh được tự do về thăm nhà được hưởng đồ cúng. Ngày này được hiểu là ngày cúng các chúng sinh không nhà không cửa, thông thường, cùng với cúng tổ tiên, người ta còn nấu cháo hoa, bỏng ngô, tiền giấy cúng chúng sinh mong họ siêu thoát cũng để tích công đức cho bản thân gia chủ.
Ngày rằm, mồng một – chén nước, lá trầu, quả cau lễ gia tiên, cúng thần linh, thổ công là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Ngày rằm tháng Bảy cũng vậy. Nhà nào cũng muốn làm cỗ cúng cho tươm tất, đầy đủ. Mà ngày rằm quan trọng thế thì phải tập trung cho đông đủ. Anh em trong gia đình, bằng hữu gần xa, lần lượt tổ chức từ nhà này sang nhà khác cho tình cảm từ đầu tháng tới giờ chắc cũng mất khối thời gian và tiền của.
Đang lúc khó khăn – lúc mà con em trong mỗi gia đình chuẩn bị tới trường; lúc mà bộ máy công quyền phải vận hành tối đa để thực hiện các mục tiêu đề ra cho năm 2018; lúc mà những người dân ở vùng ảnh hưởng thiên tai, vùng khó khăn của tỉnh đang phải nỗ lực ổn định cuộc sống thì việc tổ chức tết Vu Lan hay ngày rằm tháng Bảy ở mức độ nào cũng là điều mỗi gia đình cần cân nhắc.
Rồi “phú quý sinh lễ nghĩa”, ngày rằm tháng Bảy giờ cũng sang trọng và có nhiều mới lạ hơn. Những đồ vật bằng vàng mã mà người sống mua sắm và đốt gửi xuống cõi âm cho người đã khuất kiểu “trần sao âm vậy” ngày một nhiều.
Người làm đồ cũng đưa ra nhiều mẫu mã to hơn, đẹp hơn, tinh xảo hơn và cũng vì thế mà đắt tiền hơn để “lấy lòng” gia chủ. Có những thống kê chưa đầy đủ nhưng được biết hàng ngàn tỷ đồng tiền thật đã được đốt theo những đồ mã là nhà lầu, xe hơi, máy vi tính, điện thoại di động… và cả ôsin về cõi âm.
Tết Mậu Tuất – 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, trong đó có việc hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, khẳng định đốt vàng mã nhiều vừa ảnh hưởng kinh tế lại gây ô nhiễm môi trường.
Có thể biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Và “tháng cô hồn” cũng sẽ kết thúc trong nay mai. Nhưng rõ ràng vẫn có những câu chuyện phải nói, phải ngẫm để từng bước thay đổi trong nhận thức, trong hành xử với người đang sống, người đã khuất và cả với chúng sinh một cách đúng mực, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và xu thế phát triển của xã hội văn minh.
Quang Tuấn