YBĐT – Yên Bái là một tỉnh miền núi, đa dân tộc, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa hết sức phong phú, đa dạng. Đây là một trong những yếu tố vô cùng thuận lợi để Yên Bái khai thác và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch lễ hội.
Xác định bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; phát huy gìn giữ các lễ hội là chất liệu quý để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lễ hội bản địa gắn với các hoạt động du lịch.
Qua việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống không chỉ tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà còn quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Để lễ hội trở thành nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch thì phải giữ được tính đa dạng: đa dạng loại hình, đa dạng nghi lễ, đa dạng các biểu đạt văn hóa gắn với đặc thù của từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương, có như vậy khách du lịch mới có nhu cầu khám phá, trải nghiệm nhiều lễ hội khác nhau, ở nhiều vùng, miền, địa phương khác nhau; nên hạn chế tối đa tình trạng phục hồi, làm mới tràn lan lễ hội dân gian, đưa yếu tố mới vào một cách tùy tiện, không ăn nhập, chạy theo hình thức; lễ hội dân gian vốn là của dân, nên trả về cho người dân theo đúng nghĩa.
Lễ hội dân gian chỉ hấp dẫn khách du lịch khi đó là sản phẩm văn hóa của người dân, do chính người dân sáng tạo, gìn giữ, thực hành và trao truyền. Có thể thấy, các lễ hội bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Song tự thân lễ hội khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có sự góp sức của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có các lễ hội dân gian.
Điều này có nghĩa là những chủ nhân của lễ hội dân gian và những người làm du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi và cùng vì mục đích lâu dài, có như vậy thì nguồn lực lễ hội dân gian mới được vận hành tốt trong phát triển du lịch.
Những ngày này, trên địa bàn huyện Yên Bình diễn ra Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa phần Lễ hội và tổ chức các tour du lịch.
Đến với Lễ hội, du khách sẽ có dịp tham quan cây bưởi tổ có tuổi đời hơn 100 năm, tham quan 13 cây bưởi đầu dòng của làng bưởi Khả Lĩnh hay những vườn bưởi đẹp quả sai trĩu cành; thưởng thức vị thơm ngọt, dịu mát của trái bưởi tiến vua và các món ăn đặc sản mang đậm “Hương vị hồ Thác” được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có, do chính bàn tay khéo léo của người dân bản địa làm nên.
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm, tham gia vào các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng sông Chảy và thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan; khám phá vẻ đẹp bí ẩn, kỳ diệu của thiên nhiên hồ Thác qua các tour du lịch: Thủy điện Thác Bà – Phúc An – Xuân Long; Thác Bà – Ngòi Tu – động Thủy Tiên; Thác Bà – động Cẩu Quây – Tân Hương; Thác Bà – đát Ô Đồ; các tour du lịch tâm linh như: đình Khả Lĩnh, chùa Nổi, đền Cửa Ngòi, đền Mẫu Thác Bà…
Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, mở đầu cho các hoạt động du lịch tại huyện Yên Bình – Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017.
Hồng Duyên