YBĐT- Những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, cùng với địa phương trong cả nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sống.
Năm 2016, tuy còn gặp nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp; giá cây con, vật tư, phân bón tăng cao, song với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành sự nỗ lực của bà con nông dân, các thành phần kinh tế, phong trào trồng cây, trồng rừng vẫn phát triển mạnh mẽ.
Trong năm, toàn tỉnh trồng mới được trên 15.177 ha, đưa độ che phủ rừng đạt 62,5%; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 1.600 tỷ đồng. Kinh tế rừng góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác tuyên truyền về trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng chưa được chú trọng. Nhiều địa phương thực hiện trồng cây nhưng chưa quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ, chưa lồng ghép phong trào tết trồng cây với nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng; vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đặc biệt, do thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nguy cơ cháy rừng vẫn còn tiềm ẩn.
Để “Tết trồng cây”, trồng rừng thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, chính quyền địa phương, các ban ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây”; tạo được phong trào mạnh mẽ trong nhân dân, huy động được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức, cơ quan, công ty, trường học, lực lượng vũ trang tích cực tham gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành chuẩn bị nguồn cây giống tốt về chất lượng, đủ về số lượng để phục vụ tết trồng cây của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và nhân dân cũng như phục vụ cho công tác trồng rừng trong năm.
Các địa phương, các đơn vị cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện chặt chẽ, từng đơn vị cơ sở có phương án chi tiết về địa điểm, loài cây trồng, diện tích, số lượng cây trồng. Từng cây trồng, từng khu cây trồng phân tán phải có người chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ cụ thể. Ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh, do khí hậu lạnh và khô hanh cần bố trí cây trồng hợp lý, tránh trồng tràn lan, gây chết và lãng phí. Sau khi trồng cần phải tổ chức chăm sóc, bảo vệ để cây trồng có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt.
Văn Thông