Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư… đã trở thành lợi thế của tỉnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.
Hướng tới nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại
Quá trình tích tụ, tập trung đất đai của các địa phương cũng diễn ra mạnh mẽ, nhất là sau khi có Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào năm 2019… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh, giao kế hoạch cho các địa phương, năm 2020, tích tụ khoảng 10.790 ha đất sản xuất; trong đó, 3.840 ha cho trồng trọt, 550 ha cho chăn nuôi, 300 ha nuôi trồng thủy sản, 6.100 ha cho sản xuất lâm nghiệp tập trung. Đáng nói, trong kế hoạch tích tụ cho sản xuất nói trên, sẽ có khoảng gần 2.500 ha được hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng.
Ảnh minh họa: Trồng dưa Kim hoàng hậu trong nhà lưới. |
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều địa phương trong tỉnh, tại các mô hình sản xuất nhờ tập trung ruộng đất, triển khai theo quy mô lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, giúp các địa phương và người nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng với vật nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển một nền nông nghiệp lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách của Chính phủ về việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và thông thôn cho biết, các chính sách thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua nổi bật là Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Những chính sách này được thực thi hiệu quả đã làm thay đổi hẳn diện mạo của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thanh Hóa những năm qua.
“Sau khi có Nghị quyết 13 về tích tụ đất đai, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, giao kế hoạch cho các địa phương, đến hết năm 2020 sẽ tích tụ thêm 20,4 nghìn ha đất sản xuất. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ tích tụ được trên 100 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp. Trong kế hoạch tích tụ sẽ có khoảng gần 2,5 nghìn ha được hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình đang được triển khai, với đối tượng hỗ trợ là các nhóm cây rau màu, cây dưa, cây dược liệu, cây ăn quả, tôm thẻ chân trắng…”, ông Giang chia sẻ.
Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%
Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT Thanh Hóa lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 -2025, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiệm kỳ 2015-2020 tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch tích cực; nông nghiệp giảm từ 76,3% từ đầu nhiệm kỳ xuống khoảng 69%; lâm nghiệp tăng từ 5,7% lên 8%; thủy sản tăng từ 17,9% lên 23%… Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 1,64 triệu tấn/năm, đạt mục tiêu kế hoạch. Trong trồng trọt, việc cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất hầu hết các cây trồng chính đều tăng.
Trong nhiệm kỳ, Thanh Hóa chuyển đổi được trên 45 nghìn ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn. Diện tích thâm canh các cây trồng có lợi thế của tỉnh, các vùng cây nguyên liệu được duy trì, phát triển, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm lợi thế như mía, sắn; nông sản hữu cơ; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây thức ăn chăn nuôi và các loại rau màu thực phẩm hình thành và phát triển. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được nhân rộng… Đến nay, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%, vượt mục tiêu nhiệm kỳ.
Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi, trứng, sữa tươi đều tăng so với năm 2015.
Đến nay, Thanh Hóa đã rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng cơ bản ổn định diện tích rừng đặc dụng, tăng diện tích rừng sản xuất gắn với phát huy chức năng phòng hộ với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 53%, vượt 0,43% mục tiêu nhiệm kỳ.
Hàng năm Thanh Hóa trồng trên 2 triệu cây phân tán, 10 nghìn ha rừng tập trung. Đến năm 2020, diện tích rừng gỗ lớn đạt 56 nghìn ha; luồng thâm canh 30 nghìn ha; dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94 nghìn ha…
Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt trên 180 nghìn tấn, tăng gần 37 nghìn tấn so với năm 2015. Khai thác thủy sản chuyển dịch tích cực từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc…. Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư nâng cấp…
Nhiều vùng quê trở thành nơi “đáng sống”
Như một lẽ tất yếu, những thành quả về phát triển sản xuất nông nghiệp đã kéo theo việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả cao.
Đến nay toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện, 367 xã, 950 thôn, bản đạt chuẩn NTM, tăng 6 đơn vị cấp huyện, 254 xã so với năm 2015.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt trên 64%; bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ước đến năm 2020, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, trên 68% số xã sau sáp nhập, 45% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM…
Thanh Hóa hiện có 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao) và sẽ có 40 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 – 4 sao và có 1 sản phẩm đề xuất đạt 5 sao vào cuối năm 2020.
Ông Lê Đức Giang tổng kết, nhiệm kỳ qua, nông nghiệp Thanh Hóa phấn tăng giá trị sản xuất bình quân 2,9%/năm; sản lượng lương thực có hạt 1,5 triệu tấn/năm.
Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ che phủ rừng 54%; cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đáp ứng quy định ATTP trên 90%; 98,5% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tích tụ, tập trung thêm 32 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn NTM; 25% số xã NTM nâng cao; 8% số xã NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã…
Thanh Thủy