YBĐT – Ở Yên Bái, theo thống kê của Chi Cục Dân số – KHHGĐ tỉnh, dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở tỷ lệ cao.
Kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy: năm 2014, tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15 – 19 đã kết hôn chiếm 10,3%.
Theo hệ thống dữ liệu hành chính của Việt Nam, ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn là trên 50%. Trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, lên tới 33%; người Thái với tỷ lệ 23%.
Ở Yên Bái, theo thống kê của Chi Cục Dân số – KHHGĐ tỉnh, dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở tỷ lệ cao. Số liệu báo cáo ở các xã triển khai mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống góp phần nâng cao chất lượng dân số” cho biết: năm 2010, có 399 cặp kết hôn thì có 87 cặp tảo hôn (21,8%) và 5 cặp hôn nhân cận huyết thống (1,3%).
Năm 2011, toàn tỉnh có 212 cặp kết hôn thì có 66 cặp tảo hôn (31,1%) và 5 cặp hôn nhân cận huyết thống (2,4%); năm 2012, có 515 cặp kết hôn thì có 118 cặp tảo hôn (22,9%) và 7 cặp hôn nhân cận huyết thống (1,4%); năm 2013, có 424 cặp kết hôn thì có 98 cặp tảo hôn (23,1%) và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống (0,2%); năm 2014, có 485 cặp kết hôn thì có 77 cặp tảo hôn (15,9%) và 2 cặp hôn nhân cận huyết thống (0,4%); năm 2015, có 524 cặp kết hôn thì có 68 cặp tảo hôn (13%) và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống (0,2%).
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội, cũng là nguyên nhân làm gia tăng nhanh số lượng dân số, làm giảm chất lượng dân số.
Thực tế cho thấy, tảo hôn ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, nhất là với các em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con cháu. Kết hôn cận huyết thống làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật, làm suy thoái chất lượng giống nòi…
Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống do vùng cao tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về công tác dân số của người dân chưa cao, phong tục tập quán lạc, tư tưởng muốn gia đình có thêm lao động, cưới vợ sớm cho con nhằm mục đích tăng thêm lao động đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất còn tồn tại, sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tại chỗ chưa đáp ứng cho người dân về các vấn đề giáo dục, học tập, vui chơi, hưởng thụ văn hoá…
Do vậy, việc tiếp cận thộng tin để nâng cao hiểu biết và thực thi pháp luật khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của cán bộ tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục chuyển đổi hành vi về công tác dân số – KHHGĐ, nhất là giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo chỉ đạo của Tổng cục Dân số – KHHGĐ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế tỉnh.
Chính quyền các cấp và ngành y tế tăng cường đôn đốc, giám sát hoạt động của các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã và các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Đồng thời, tăng cường sự cam kết của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có uy tín tại địa bàn triển khai mô hình trong việc tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và tham gia thực hiện các hoạt động của mô hình nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016 và các chương trình quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015 – 2025.
Trần Minh