YênBái – Tình hình, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh. Đến 1/10, cả nước có 354 ổ dịch tại 120 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Tại Yên Bái, bệnh DTLCP xảy ra từ ngày 19/4 – 13/9/2021 tại 70 hộ, thuộc 23 thôn/bản, của 14 xã của huyện Mù Cang Chải, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Đến nay, đã có 3/3 xã thuộc huyện Mù Cang Chải và 2/3 xã của thành phố Yên Bái dịch đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, vi rút DTLCP có đường lây truyền dịch bệnh rất phức tạp, hiện chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Sau thời gian dịch bệnh được khống chế, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một số hộ chăn nuôi trong việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Do đó, ngành nông nghiệp dự báo nguy cơ bệnh xâm nhập, lây lan và bùng phát trên diện rộng còn rất cao.
Để chủ động ngăn chặn, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo các quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, cần tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi nắm vững, nắm chắc; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn; rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ chăn nuôi lợn, số lượng từng loại lợn trên địa bàn quản lý; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh DTLCP mới xuất hiện không để lây lan ra diện rộng; quản lý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn, đảm bảo không để tái phát bệnh DTLCP; không cho tái đàn, tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ theo các chỉ đạo, kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh, nhất là công tác quản lý vận chuyển lợn giống; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển, tập kết, thu gom lợn không đúng quy định; chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xóa bỏ các điểm dừng, tắm, rửa các xe vận chuyển lợn không được cấp phép trên các tuyến giao thông, làm lây lan dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các địa phương cần bố trí nguồn kinh phí chuẩn bị dự phòng đầy đủ các loại vật tư, phương tiện, hóa chất sát trùng, vôi bột, kể cả vật tư lấy mẫu xét nghiệm phát hiện lợn bệnh… và bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả công tác phòng, chống dịch định kỳ, đột xuất theo quy định.
Cùng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống bệnh DTLCP, nhất là các điều kiện để tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát vận chuyển lợn giống vào địa bàn tỉnh; tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh DTLCP để kịp thời phát hiện cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả; thành lập các đội phản ứng nhanh để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Quang Thiều