Hoa chi pâu năm nay nở sớm nên giữa tháng 9, anh Anh Chiêm đưa vợ lên đỉnh Tà Chì Nhù ngắm hoa.
Vợ chồng anh Nguyễn Anh Chiêm, 41 tuổi và chị Đỗ Thị Quỳnh, 38 tuổi, Hà Nội, có chung sở thích du lịch khám phá và chụp ảnh. Họ vừa có chuyến đi ba ngày hai đêm, từ 14 đến 16/9, lên đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 m, nơi được mệnh danh là “nóc nhà Yên Bái -” để ngắm hoa chi pâu. Hai người đã lên kế hoạch từ năm 2021 nhưng vì dịch bệnh nên đành hoãn lại.
Hoa chi pâu có tên là swertia hoặc cỏ mật rồng hay đại tử đương dược. Cái tên chi pâu bắt nguồn từ câu trả lời của người H’Mong khi được hỏi về loài hoa này. Tsi Pau (phiên âm là “chi pâu” có nghĩa là “không biết”). Từ đó, dân leo núi ở Việt Nam vẫn duy trì cách gọi đậm chất vùng cao này.
Vợ chồng anh từng nhìn thấy hoa chi pâu nhiều lần qua các bộ ảnh. “Nhưng tận mắt chứng kiến thảm hoa nở tím bên sườn núi lại là một cảm giác hoàn toàn khác. Dưới ánh bình minh của núi rừng, những thảm hoa còn đọng sương khiến chúng tôi như lạc vào khung cảnh thần tiên”, anh Chiêm chia sẻ.
Chuyến đi lần này của anh Chiêm có nhiều điều đặc biệt. Yên Bái – là nơi hai vợ chồng đều yêu thích. Đã đến đây vài lần nhưng leo Tà Chì Nhù ngắm chi pâu là trải nghiệm chưa từng có. “Chuyến đi rất ý nghĩa với tôi. Chúng tôi đi đúng sinh nhật Quỳnh. Những bức ảnh bên cánh đồng hoa là món quà tôi muốn dành tặng vợ”, nam du khách chia sẻ.
Từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, hoa chi pâu nở rực rỡ, trong đó thời gian đẹp nhất là giữa tháng 9. Do hoa mọc trên địa hình đồi núi, ở độ cao 2.500 m trở lên, nên rất khó chụp ảnh. Để có những bức ảnh ưng ý, anh Chiêm sử dụng ống tele để chụp ảnh có người, và ống góc rộng chụp toàn cảnh. “Do khung cảnh rộng lớn, độ dốc cao nên nhiều bức tôi phải chụp pano dọc và ngang, kếp hợp kỹ thuật bracketing (chụp 3-5 tấm rồi ghép thành một)”.
“Khoảnh khắc đẹp nhất của hoa là dưới ánh bình minh. Lúc đó chi pâu như một nàng công chúa giữa núi rừng Tây Bắc. Do đó, nếu muốn săn chi pâu lúc đẹp nhất, bạn cần chọn một ngày nắng để chụp được cả bình minh và hoàng hôn”, anh Chiêm nói. Chuyến đi lần này của anh chỉ chụp được bình minh, còn hoàng hôn do thời tiết không ủng hộ nên không có ảnh đẹp.
Thời tiết trên núi thất thường, lúc mưa lúc nắng nên bạn cần mang theo áo mưa, áo rét, mũ, thuốc dự phòng như cảm cúm, đau đầu hạ sốt, sạc dự phòng, đèn pin đội đầu…
Chuyến đi của anh Chiêm lần này có bảy người. Họ xuất phát từ 2h ở Hà Nội, đi theo Google Maps đến Trạm Tấu, Yên Bái – lúc 8h. Sau khi nghỉ ngơi, 9h cả nhóm bắt đầu leo núi. “Đây là ngày vất vả nhất hành trình. Khoảng ba tiếng đầu, chúng tôi leo núi suôn sẻ, độ dốc ít. 12h, đoàn nghỉ ngơi ăn trưa. Chặng đường sau bữa trưa bắt đầu vất vả hơn, độ khó tăng lên do địa hình dốc, nhiều đoạn thẳng đứng. Cả đoàn đều rất mệt nhưng ai cũng khích lệ lẫn nhau để quyết tâm lên đến nơi. 16h, chúng tôi đến lán nghỉ”, anh Chiêm kể.
Ngày thứ hai là ngày đẹp nhất, theo đánh giá của cả nhóm. Họ dậy lúc 4h, ăn sáng rồi thu dọn đồ đạc để 5h xuất phát lên đỉnh chinh phục Tà Chì Nhù. Trên đường đi, mọi người say sưa ngắm nhìn những thảm hoa nở rộ bên sườn núi, rực rỡ dưới ánh bình minh. “Chúng tôi đi chậm để ngắm tiên cảnh của núi rừng”, anh Chiêm nói.
Càng lên cao, hoa chi pâu nở càng tím ngắt. Ở trên đỉnh là cả một vạt hoa rừng hiện ra trước mắt. Đây cũng là vị trí nhiều hoa và đẹp nhất Tà Chì Nhù. Cả đoàn nghỉ ngơi ăn trưa, rồi chụp ảnh với cột mốc 2.799 m. Sau đó, lúc 15h, họ tiếp tục vòng đến lán dê (nơi người dân nuôi dê) để ngắm hoàng hôn. Hoa chi pâu bên lán có màu trắng pha hồng, thay vì tím như phía trên đỉnh. Sau đó, tất cả đi tới lán chuyên biệt phục vụ nghỉ ngơi qua đêm, ăn uống. Ngày cuối cùng, nhóm di chuyển xuống núi để khởi hành về Hà Nội, kết thúc chuyến đi.
Chi phí chuyến đi:
Thuê porter: 500.000 đồng một người một ngày
Ăn uống: 4,7 triệu đồng (3 ngày 2 đêm cho nhóm 7 người)
Xăng xe: 400.000 đồng cho một xe 7 chỗ
Phí đường bộ: 140.000 đồng
Tổng chi phí: gần 13 triệu đồng/7 người
Phương Anh
Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm