Lợi trước mắt, hại lâu dài
BHXH được coi là “của để dành” đối với lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng NLĐ bị thất nghiệp nhiều khiến họ không có khả năng đóng tiếp. Vì lẽ đó, rất nhiều lao động trên cả nước chờ đợi đủ 12 tháng sau thời điểm dừng đóng BHXH để làm hồ sơ xin rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.
Theo thống kê trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 700.000 người rút BHXH một lần. Riêng năm 2022, số người rời khỏi hệ thống an sinh đã lên đến hơn 895.000 người. Cũng chung tình trạng này, trên địa bàn tỉnh Yên Bái số người rút BHXH một lần cũng có xu hướng tăng lên.
>> Hiệu quả từ công tác thanh tra chuyên ngành
Việc NLĐ nhận BHXH sớm một lần là lợi trước mắt, hại lâu dài. Bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của NLĐ không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Theo BHXH tỉnh, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận BHXH một lần. Đồng nghĩa họ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.
Người hưởng BHXH một lần khi chết, gia đình không được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất theo quy định so với lựa chọn hình thức hưởng lương hưu. Hơn nữa, NLĐ không được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già – độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Do đó, BHXH tỉnh khuyến cáo NLĐ cần cân nhắc không nên nhận BHXH một lần mà có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định.
Đề xuất hai phương án rút BHXH một lần
Việc gia tăng số lượng người hưởng BHXH một lần trong những năm qua đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, bởi NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ giảm, hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Đồng thời, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tốc độ mở rộng độ bao phủ của hệ thống BHXH tăng rất chậm. Điều này đặt ra những thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu về mở rộng độ bao phủ BHXH trong thời gian tới.
Để giảm những hệ lụy lâu dài đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, trong Tờ trình Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có nội dung thắt chặt các điều kiện hưởng BHXH một lần.
Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho NLĐ để họ có thêm cơ hội để được hưởng lương hưu. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định nhằm khuyến khích NLĐ lựa chọn tham gia, hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Một là, NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội. Hai là, người hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13) là: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm”.
Phương án 2 quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép NLĐ hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Trong khi chờ Luật BHXH sửa đổi thì để hạn chế tình trạng này, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông để các chính sách, quy định liên quan đến BHXH đến gần với NLĐ hơn nữa. Từ đó, góp phần giúp NLĐ nhận thức và có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về các chính sách an sinh xã hội mà Nhà nước muốn hướng tới và đem lại cho người dân thông qua các chính sách, chế độ về BHXH
Văn Thông