YênBái – Nghị quyết số 21 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã xác định: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á” và nhiều chỉ tiêu khác liên quan đến chất lượng dân số.
Do vậy, nâng cao chất lượng dân số đang được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định đến công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Theo báo cáo của ngành chức năng, mặc dù công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những kết quả tích cực, song mức sinh giữa các vùng, miền vẫn còn chênh lệch, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở một số đồng bào dân tộc ít người… là những thách thức lớn trong công tác nâng cao chất lượng dân số của cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở cơ sở, nhất là địa bàn các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát huy hiệu quả; chế độ của cán bộ chuyên trách cơ sở cũng như nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn thấp…
Ngoài ra, các thông điệp truyền thông dân số vẫn còn nặng về KHHGĐ, chưa chuyển đổi kịp thời với những vấn đề mới như nâng cao chất lượng dân số, dân số “vàng”, già hóa dân số, di cư…
Đặc biệt, việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình truyền thông về DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng hoạt động của các mô hình.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2020 và để thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, ngoài nỗ lực của ngành y tế đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của tất cả cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Trong đó, công tác truyền thông dân số cần hướng tới hình thành và phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em; vận động nam, nữ thanh niên vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn kết hôn đúng tuổi theo luật định…
Song song với đó, tăng cường đầu tư, bổ sung kinh phí cho công tác dân số và phát triển; củng cố, kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số phù hợp với yêu cầu chuyển hướng chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển bền vững, gắn trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở với công tác dân số và phát triển…
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Thanh Hương