YênBái – Những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tích cực đưa nội dung truyền thông về dân số vào hoạt động của cơ quan, đơn vị dưới nhiều hình thức phù hợp.
Cụ thể, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025, nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại hoặc mới phát sinh của tỉnh theo định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ.
Theo đó, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân số trong tình hình mới; thực hiện đổi mới công tác truyền thông, vận động; hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu; bảo đảm nguồn lực; kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân số…
Từ năm 2020 – 2025, tỉnh Yên Bái triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu: đưa nhanh mức sinh chung của tỉnh về mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; sẵn sàng thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong đó, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược dân số giai đoạn 2021 – 2025 nhưng cũng là năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Song, với các giải pháp thích ứng linh hoạt, kịp thời, công tác truyền thông thay đổi hành vi về dân số trên địa bàn tỉnh không bị gián đoạn nhờ đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên mạng Internet. Các mô hình truyền thông dân số từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh được tích cực thực hiện với nội dung phong phú, đa dạng cùng sự ủng hộ, tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn, bản đã nỗ lực tuyên truyền, vận động tại khu dân cư…
Kết quả, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về công tác dân số đã có những chuyển biến tích cực: trên 95% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của dân số – sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 80% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; trên 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người được tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hầu hết các gia đình đều thực hiện sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Đặc biệt, mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số từ tỉnh tới cơ sở từng bước được củng cố, phát triển, đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số đã mang lại nhiều kết quả như: mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…
Tháng 3/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 67 về thực hiện công tác dân số năm 2022. Theo đó, mục tiêu chung là giảm nhanh mức sinh và rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các đối tượng; nâng cao chất lượng dân số; kiểm soát mất cân bằng giới khi sinh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 của tỉnh.
Đồng thời, mục tiêu cụ thể của công tác dân số cũng được xác định rõ, đó là: tuổi thọ trung bình: 73,9 tuổi, số năm sống khỏe tối thiểu: 66,2 năm; mức giảm sinh: 0,2‰; tỷ số giới tính trẻ mới sinh: 111,6 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh: 45%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh: 42%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: 65%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại: 69,8%; tổng số người mới thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại: 52.980 người.
Theo Kế hoạch số 67, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của công tác dân số năm 2022 cũng được đặt ra rõ ràng để các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở cùng phấn đấu thực hiện. Đó là: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về thực hiện công tác dân số; quán triệt đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; đưa công tác dân số thành một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 41 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025 và các kế hoạch khác của UBND tỉnh liên quan đến công tác dân số. Đồng thời, quy định cụ thể việc khen thưởng và xử lý vi phạm về chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình; công tác kiểm tra, giám sát, việc thực hiện các chính sách về công tác dân số theo các nghị quyết của HĐND và UBND tỉnh.
Thanh Hương