>>Nghĩa Lộ đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế
>>Nghĩa Lộ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trước tình hình trên, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Nghĩa Lộ đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho bản thân. Tuy nhiên, việc này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Là người dân tộc Thái, trước đây, gia đình chị Đinh Thị Thao ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí dành cho đối tượng người DTTS. Theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình chị Thao và hàng nghìn hộ gia đình người DTTS khác không được cấp thẻ BHYT miễn phí. Với lý do vừa làm nhà, chị Thao cứ nấn ná chưa tham gia.
Đến đầu năm 2022, khi sức khỏe có phần yếu đi, chị Thao đi khám mới biết mình đã mắc ung thư cổ tử cung. Đợt nằm viện đầu tiên tại Bệnh viện K, gia đình chị Thao phải tự chi trả toàn bộ gần 100 triệu đồng tiền điều trị. Nếu như có thẻ BHYT thì gia đình chị chỉ phải chi trả khoảng 20 triệu đồng.
Chị Đinh Thị Thao chia sẻ: “Lúc ốm đau, bệnh tật mới thấy tấm thẻ BHYT có ý nghĩa thế nào. Sau đợt điều trị về, tôi đã mua ngay thẻ BHYT cho bản thân và các thành viên trong nhà”. Sau khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, xã Nghĩa Lợi có trên 3.600 người bị cắt thẻ. Hiện, toàn xã chỉ có hơn 60% số người tham gia BHYT.
Ông Lường Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: “Hiện nay, việc vận động bà con tự nguyện mua BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ có 7 – 8 nhân khẩu. Để mua thẻ BHYT đủ cho các thành viên, số tiền bỏ ra rất là lớn. Trong khi đó, 3 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Vì vậy, tuy biết đau ốm không có BHYT sẽ phải chi trả rất tốn kém nhưng nhiều hộ vẫn chưa có điều kiện để tham gia”.
Theo quy định của Luật BHYT, sau khi thẻ BHYT hết hạn nếu mua trong vòng 3 tháng, người dân sẽ được tính thời gian nối tiếp của những năm trước. Đối với đối tượng người DTTS vì do được Nhà nước cấp nên có thời gian tham gia BHYT nhiều năm nên khi bị cắt thẻ theo Quyết định số 861 mà tham gia luôn sẽ được tính là tham gia 5 năm liên tục.
Những trường hợp đã tham gia 5 năm liên tục sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu mức chi trả viện phí lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Nhưng nếu quá thời hạn 3 tháng cho phép nối tiếp, thời gian tham gia BHYT sẽ được tính từ đầu, đây sẽ là một thiệt thòi lớn cho người dân, nhất là đối với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo có mức chi phí lớn khi nằm viện.
Tuy nhiên, hiện nay, một số người dân, nhất là đối tượng người DTTS mới bị cắt thẻ chưa hiểu rõ tính ưu việt, sự nhân văn của chính sách BHYT nên viện nhiều lý do không tham gia.
Trước những khó khăn đó, BHXH thị xã cũng chủ động kiến nghị và thực hiện nhiều giải pháp trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các xã, phường tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia BHYT, đặc biệt là tham gia BHYT hộ gia đình để tiết kiệm chi phí.
Ông Bùi Trường Giang – Phó Giám đốc BHXH thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “BHXH thị xã Nghĩa Lộ đã tham mưu với UBND thị xã chỉ đạo cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường phối hợp mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT xuống tận các thôn, bản, đặc biệt chú trọng việc tuyển dụng các cán bộ thôn, bản, tổ dân phố là người địa phương, người DTTS để tập huấn kỹ năng nghiệp vụ”.
“Từ đó, lan tỏa đến các thôn, bản đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được những quyền lợi khi tham gia BHYT cũng như trách nhiệm tham gia, mức đóng BHYT được giảm trừ khi tham gia BHYT hộ gia đình, đỡ gánh nặng về tài chính. Qua đó, cũng nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, từng bước thực hiện hiệu quả các chương trình đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn” – ông Giang cho biết.
Hồng Duyên