Ở Lục Yên (Yên Bái -) có một phiên chợ độc nhất cả nước, bán mặt hàng đá quý và đã có lịch sử 25 năm.
7h sáng, thị trấn Yên Thế vẫn chìm trong màn sương mù mịt. Từ khắp ngả đường, bà con các dân tộc nối nhau gồng gánh hàng hóa ra chợ bán. Trước cổng “chợ đá quý Lục Yên” vài người bán hàng rục rịch đến. Họ mang theo một cái bàn và túi xách đựng đá quý. Gọn nhẹ vậy thôi nhưng nó đáng giá cả một gia tài. Mấy người phụ nữ luống tuổi nhanh chóng ngồi thành hàng. Thoáng chốc, trên mặt bàn đủ các loại đá quý lung linh.
Có hơn 20 sạp hàng ở chợ, bán các loại đá đã mài giũa hoặc vẫn ở dạng thô. Trong đó ruby đỏ quý và đắt nhất. Ruby ở Việt Nam có chất lượng cao bậc nhất thế giới, độ cứng chỉ sau kim cương. Một viên ruby đáng giá ngang ngửa viên kim cương cùng kích thước. Đeo trang sức đá thường theo phong thủy, người mệnh hỏa mới hay dùng ruby. Những người mệnh mộc, thủy, thổ… có thể đeo các trang sức đá hợp mệnh mà chỉ cần bỏ ra cỡ vài trăm nghìn đồng.
Minh Tú (26 tuổi) cho biết: “Dân đá quý Lục Yên ai cũng đeo trang sức đá. Như viên đá màu xanh chuối (Sapphire) trên cổ tôi có giá vài chục triệu đồng. Viên màu đỏ trên tay anh kia không dưới 50 triệu đâu”. Tú chỉ vào viên ruby đỏ oai vệ trên ngón giữa của một người phu đá.
Một sạp hàng gọn nhẹ đáng giá vài chục triệu đồng, song đó chưa phải là bộ mặt thật của chợ đá quý. Chỉ khi có khách VIP, người bán mới được dịp phô bày những viên đá mình có. Bà Ngô Thị Nga (50 tuổi) buôn bán đá quý từ khi mới hình thành chợ tiết lộ, mỗi người bán đá ở đây đều có những “con cưng” và chỉ đem ra khi có khách thực sự muốn mua. Bao nhiêu năm làm nghề này, tiền bạc trong nhà bà đều đổ vào tích trữ đá quý.
Trước đây bà Nga là công nhân địa chất, nghỉ hưu sớm chuyển sang nghề thu mua đá. Những năm trước bà vẫn vào những bãi Thái, bãi An Phú, bãi Cạn… trên địa bàn để mua trực tiếp của phu khai thác. Vài năm nay sức yếu hơn, phu đá quý lại đòi giá cao nên bà chỉ mua bán ở chợ. “Ra chợ có nhiều người đánh giá mới sát giá trị thực hơn”, bà nói.
Cũng theo bà chủ này, giá trị của một viên đá tăng theo độ đậm, trong và không trầy xước, kể cả sở thích của người mua.
Phía cổng chợ, mấy anh phu đá phóng chiếc xe cọc cạnh đến. Những ông chủ vùng này xúm đến xem viên đá đỏ xù xì. “Viên này giá 10 triệu đồng”, một anh phu phát giá. Ông chủ đá quý điềm tĩnh cầm đèn pin nhỏ soi lên, hạ xuống, quan sát các góc cạnh, màu sắc rồi nói: “3 triệu. Màu xấu, bên trong bị nứt”. Mấy người phu đá nhìn nhau gật đầu bán.
Theo anh Vinh (38 tuổi), người có thâm niên hơn 20 năm mưu sinh bằng nghề đá quý tại Lục Yên, nhìn vào viên đá không ai có thể định giá được. Để tránh bị “hớ”, các phu đá hay hét giá cao. Người kinh doanh thì hiểu hơn đôi chút. Nhiều khi không cần soi đèn vẫn nhìn thấy cái độc đáo của viên đá.
“Ấy thế nhưng đôi khi vẫn không nói được điều gì khi viên này tưởng như mua sát giá lại được khách thích, mua giá cao. Viên kia tưởng rẻ nhưng không ai ưng và mãi mà không bán được”, ông chủ cửa hàng buôn bán đá quý gần chợ cho biết thêm.
Từ xa xưa, Lục Yên được mệnh danh là “vùng đất ngọc”, nằm trên đá quý. Theo những người trong nghề, xưa ở lòng hồ Thác Bà đã có chợ Ngọc. Người nông dân đi làm đồng, trẻ em đi chơi dễ dàng nhặt được những viên đá đủ màu sắc nhưng chỉ để chơi. Tới những năm 80 thế kỷ trước, chính quyền tổ chức khai thác địa chất mới phát hiện nơi đây có nhiều loại đá quý, chất lượng thuộc hàng quý nhất thế giới. Những viên đá có giá trị nhất Việt Nam đều được khai thác từ đây.
“Lục Yên tự hào có viên ruby đỏ được giữ làm bảo vật quốc gia, tên ‘Ngôi sao Việt Nam’. Đó là viên đá ruby lớn nhất, có trọng lượng 2.160 gram tương đương 10.800 cara. Ngoài ra rất nhiều viên đá quý có giá trị khác được khai thác từ đây”, anh Vinh cho biết.
Từ đó Lục Yên trở thành thủ phủ của đá quý. Người dân tứ phương đổ xô về đây khai thác. Phiên chợ bán mặt hàng đặc biệt này cũng hình thành. “Vùng đất ngọc” đã thay đổi số phận nhiều người. Một số vụt lên hàng đại gia nhưng không ít người bị tan cửa nát nhà bởi đá quý. Những năm trước còn tìm được đá bạc tỷ, còn giờ đây chỉ có viên giá trăm nghìn đến vài triệu đồng.
“Những năm 90 là thời hoàng kim của chợ đá quý Lục Yên. Lúc đó chợ tất nập, người mua kẻ bán giắt lưng cả trăm triệu đồng. Hiện giờ chỉ họp với mục đích giao lưu là chính”, anh Vinh nói.
Cũng theo anh Vinh, để đảm bảo chữ tín của đá quý trong vùng, Hiệp hội đá quý Lục Yên cũng được thành lập. Chợ đá quý do các thành viên trong hội quản lý nên hoạt động có quy củ và uy tín hơn. Gần đây ở chợ đá quý xuất hiện một số loại đá kém chất lượng nhập từ nước ngoài, hoặc đá thường phù phép thành đá quý bán cho khách vãng lai. Hiệp hội đá quý Lục Yên đã kiên quyết xử lý, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, để giữ vũng thương hiệu đá quý Lục Yên.
Ảnh phiên chợ đá quý ở Yên Bái –
Phan Dương