YBĐT – Mỗi kỳ nghỉ hè đến, các bậc phụ huynh ai cũng muốn tạo cho con em mình có được những ngày thật sự bổ ích, lý thú và an toàn. Nhưng dịp hè, quản lý con em mình như thế nào cho hợp lý đang là vấn đề đặt ra đối với các bậc phụ huynh.
Nghỉ hè, học sinh không còn sự quản lý trực tiếp của các thầy, cô và trường học. Với học sinh tiểu học, nhiều phụ huynh chọn cách gửi con em vào các lớp học thêm, nhà thiếu nhi.
Do vậy, không thể tránh khỏi việc nghỉ hè mà các em phải chịu áp lực học quá nhiều. Có em, sáng học Văn, chiều học Toán, tối học thêm Ngoại ngữ. Nhiều em tham gia các lớp năng khiếu như học võ, học đàn, múa hát, học kỹ năng sống và tham gia các khóa học kỳ quân đội…
Trẻ em ở thành phố, thị xã thì vậy, trẻ em nông thôn thì sao? Không có lớp học thêm, không có các lớp năng khiếu lại thiếu sự quản lý thường xuyên của gia đình nên dễ xảy ra tai nạn thương tâm như đuối nước, tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, năm 2017, toàn tỉnh có 1.609 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 36 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước, tăng cao hơn năm trước, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 10 tuổi; trẻ bị tai nạn giao thông là 400 trường hợp, còn lại là tai nạn thương tích khác…
Trong những năm gần đây, tổ chức Đoàn, Đội có những việc làm sáng tạo trong tập hợp, tổ chức sinh hoạt, vui chơi hè cho các em. Tuy nhiên, còn không ít cơ sở Đoàn, Đội chưa tổ chức được các buổi sinh hoạt hè cho các em. Một số địa phương chưa “xắn tay” vào cuộc…
Để giúp các em có một mùa hè bổ ích và lý thú, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương, trong đó có vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn, Đội, các bậc phụ huynh; các buổi sinh hoạt hè cần có sự hấp dẫn, ý nghĩa hơn, quan tâm tổ chức rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ; các địa phương cần đầu tư hơn nữa về sân chơi cho trẻ, để mỗi dịp hè đến, các em được sống, vui chơi trong môi trường an toàn, được phát triển một cách toàn diện.
Đức Toàn