YBĐT – Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn lao động làm 29 người thương vong, thiệt hại về kinh tế trên 1,5 tỷ đồng.
Từ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhờ triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống cháy nổ nên ATVSLĐ-PCCN đã trở thành phong trào, được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm thực hiện.
Đa số các doanh nghiệp đã triển khai biện pháp phòng chống, đồng thời giải quyết tốt hậu quả khi có tai nạn lao động xảy ra. Bản thân người lao động cũng nghiêm túc chấp hành các quy định về ATVSLĐ-PCCN vì lợi ích của bản thân, đơn vị, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ-PCCN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về lĩnh vực này tuy đã được quan tâm nhưng chưa có chiều sâu, phương thức và nội dung chưa phong phú.
Tại những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có số lượng lao động nhỏ, doanh nghiệp tỉnh ngoài đến hoạt động, phần lớn đều chưa nắm bắt được hết hệ thống pháp luật về lao động, ATVSLĐ-PCCN.
Công tác giám sát của tổ chức công đoàn, mạng lưới an toàn viên cơ sở về ATVSLĐ-PCCN chưa thường xuyên; nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Đặc biệt, việc người sử dụng lao động và người lao động của một số doanh nghiệp chưa ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong bảo đảm ATVSLĐ-PCCN; một số chủ sử dụng lao động vì mục tiêu lợi nhuận không quan tâm đầu tư trang thiết bị bảo đảm ATVSLĐ-PCCN trong sản xuất, kinh doanh và cho người lao động… là nguyên nhân dẫn đến ATVSLĐ, cháy nổ vẫn có diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo thống kê, riêng trong năm 2016, toàn tỉnh vẫn xảy ra 27 vụ TNLĐ làm 29 người thương vong, thiệt hại về kinh tế trên 1,5 tỷ đồng. Cùng TNLĐ, trên địa bàn còn xảy ra 54 vụ cháy, làm chết, bị thương 5 người, thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 4,6 tỷ đồng; xảy ra 2 vụ nổ, làm bị thương 10 người, thiệt hại về tài sản khoảng 50 triệu đồng.
Tháng hành động về ATVSLĐ-PCCN năm nay với chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, các cấp, các ngành, doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, kết hợp kiểm tra đôn đốc nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành thành viên Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh cần chủ động tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành văn bản để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện ATVSLĐ trên địa bàn; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cho việc rà soát, dỡ bỏ hoặc đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân trong tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN.
Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, cần chú trọng công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác ATVSLĐ-PCCN đối với người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các thành phần kinh tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật lao động để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm cũng như khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm tốt.
Để ATVSLĐ-PCCN hiệu quả, yếu tố quan trọng hàng đầu là chủ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh lao động để nghiêm túc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; không ngừng cải thiện môi trường, điều kiện lao động để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhất.
Tổ chức công đoàn các cấp, các doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động về chính sách lao động, ATVSLĐ-PCCN; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp; đẩy mạnh Phong trào thi đua “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm ATVSLĐ-PCCN” trong doanh nghiệp.
Đồng bộ các giải pháp vì lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, quan tâm công tác ATVSLĐ-PCCN, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động sẽ được phòng ngừa, các thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ được giảm thiểu thấp nhất.
Nguyễn Đình