Yên Bái –Sau sinh 5 ngày, người phụ nữ 19 tuổi sốt cao, suy thận, sốc nhiễm khuẩn nguy kịch nghi do sốt mò.
Sản phụ mổ lấy thai tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn. 5 ngày sau, tình trạng chuyển biến xấu, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cấp cứu. Các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc hội chẩn, chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do sốt mò, tình trạng nguy kịch.
Kíp bác sĩ điều trị hồi sức tích cực với kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch nâng huyết áp, thở oxy, điều trị suy đa tạng, điều chỉnh rối loạn điện giải nâng đỡ thể trạng. Hiện, người bệnh đỡ sốt, tiếp xúc tốt, ngừng thuốc vận mạch, các chức năng cải thiện, chỉ số sinh tồn ổn định.
Sau gần 10 ngày điều trị, hôm 25/6, chị được xuất viện về nhà.
Sốt mò hay còn gọi là bệnh sốt ve mò, sốt rừng. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng hay gặp ở người lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm, song hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng. Sốt mò không lây từ người sang người.
Bệnh do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) gây nên. Chúng sống ký sinh ở một số loài gặm nhấm, thú nhỏ (chuột, gà) truyền sang người qua vết đốt, thường ở vùng da mềm như nách, bẹn, bộ phận sinh dục, cổ, bụng, vành tai, rốn. Người bệnh thường mắc khi đi làm đồng ruộng, vườn bãi, trang trại chăn nuôi.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc xung huyết và phát ban, vết loét ngoài da đặc trưng do ấu trùng mò đốt, sưng đau hạch ngoại vi gần nơi vết loét. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tổn thương nhiều cơ quan, suy đa phủ tạng và tử vong.
Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5-2 cm, có vảy đen, bong vảy sẽ để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không có mủ, không tiết dịch, vết loét không đau nên dễ bỏ sót.
Để phòng bệnh, người sống trong vùng có bệnh sốt mò lưu hành cần áp dụng những biện pháp phòng chống ấu trùng như tránh đi vào khu vực có lùm cây cỏ lúp xúp, mặc quần áo kín, quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng. Hiện chưa có vaccine phòng sốt mò.
Minh An