Hình thức học trực tuyến thời gian qua đã được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã mang lại những hiệu quả to lớn.
Số hóa giáo dục không chỉ là phương thức để dạy và học mà qua đó xây dựng cơ sở học liệu phong phú, đặc biệt là những kiến thức, thành tựu khoa học công nghệ mới nhất được chia sẻ trên toàn cầu.
Ngành GD&ĐT Yên Bái đã nhanh chóng triển khai thực hiện phương thức dạy học trực tuyến, cùng đó là cơ sở học liệu được tích cực xây dựng phong phú.
Trong đợt nghỉ dịch Covid-19, các trường mầm non đã thực hiện hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình trên các nền tảng công nghệ số, xây dựng gần 5.000 video, có 92,5% số trẻ mầm non được tiếp cận với các cơ sở học liệu đó, riêng trẻ 5 tuổi được tiếp cận chiếm 96%.
Ở bậc học phổ thông, 75% số học sinh tiểu học, 75,2% số học sinh THCS, 98% số học sinh THPT được tham gia các hình thức học tập trên các nền tảng công nghệ số. Đồng thời, các trường xây dựng được cơ sở học liệu số phong phú với 35 chuyên đề ôn tập lớp 12, 26 chuyên đề ôn tập lớp 9.
Có thể nói, dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách dạy và học, tư duy của nhà quản lý. Các chuyên gia cho rằng, đại dịch còn có những diễn biến phức tạp nên việc dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp là giải pháp hữu hiệu để tránh được tình trạng bị gián đoạn trong giáo dục, dẫn tới có thể đối diện với thảm họa thế hệ (cả một thế hệ không được tiếp cận giáo dục do dịch Covid-19) như Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã nhận định.
Để làm được điều đó, Yên Bái cũng như các địa phương trong cả nước, đang tập trung nâng cao năng lực thích ứng của các ngành, địa phương với dịch Covid-19.
Trong đời sống, mọi người đã bắt đầu nhìn nhận ra sự cần thiết để trẻ học trực tuyến trong gia đình bài bản hơn và chuyên nghiệp hơn chứ không để phát triển tùy tiện theo kiểu chỉ đẩy mạnh trực tuyến trong các trò chơi game.
Tuy nhiên, tại nhiều nơi, dạy học trực tuyến hay số hóa giáo dục vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương, trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của Yên Bái trong đợt nghỉ dịch Covid-19 vừa qua, số học sinh được tiếp cận với giáo dục trên các nền tảng công nghệ số là rất ít, hầu hết các thầy cô phải mang bài tập đến tận nhà cho học sinh.
Khách quan nhìn nhận rằng, đào tạo trực tiếp có hàng trăm năm và mất rất nhiều năm để đưa giáo dục trực tiếp đến các vùng sâu, vùng xa, song, với sự nỗ lực tổng thể, sự vào cuộc của các ban, ngành, doanh nghiệp thì có lẽ sẽ rút ngắn được con đường đưa sự tiếp cận của học sinh vùng sâu, vùng xa với giáo dục trực tuyến, với số hóa giáo dục.
Năm học 2020-2021 tiếp tục là năm học có nhiều thử thách và biến động. Một năm học có ý nghĩa như một phép thử về năng lực quản lý những người đứng đầu ngành GD&ĐT, các nhà trường và khả năng thích ứng, xoay chuyển tình thế, giúp học sinh an toàn, truyền thụ kiến thức qua nhiều nền tảng.
Thanh Ba