YênBái – Gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay trong các tầng lớp xã hội xuất hiện chênh lệch về mức thu nhập giữa các vùng miền; các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục khai thác vào những thiếu sót, hạn chế của đất nước nhằm phá hoại thành quả cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị – xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: năng lực dự báo, định hướng chính sách; hiệu quả quản lý, điều hành còn nhiều bất cập; công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, thay thế, trẻ hóa, chuẩn bị cán bộ kế cận còn lúng túng.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức; tình trạng tham nhũng, quan liêu, mất đoàn kết nội bộ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi… Ngoài ra, đâu đó vẫn còn dân chủ hình thức; bộ máy còn cồng kềnh, chất lượng cán bộ còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn tình trạng tham nhũng, quan liêu… làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng.
Năm 2020 là năm cuối mà các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiến tới đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Chính vì vậy, “tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là vấn đề thiết thực, đúng với tình hình thực tiễn hiện nay.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đoàn kết phải lấy dân làm gốc, tạo ra dân chủ, đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cần quán triệt các nội dung và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bằng các việc làm cụ thể gắn với chức trách nhiệm vụ như: tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm; chống các biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kéo bè, kéo cánh.
Đặc biệt để chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho cấp ủy khóa mới cần kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, đồng thời xây dựng lối sống thẳng thắn, trung thực, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách, luật pháp của Nhà nước.
Đây là những vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, cấp thiết nên vấn đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” càng có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Văn Tuấn