YBĐT – Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng liên tục phát hiện và đã xử lý trên 1.000 vụ việc liên quan đến lĩnh vực thương mại, xử lý và phạt hành chính hàng tỷ đồng và tổ chức tiêu huỷ khối lượng lớn hàng hoá vi phạm.
Như đã thành thông lệ, từ cuối tháng 11 năm trước đến hết tết Nguyên đán là thời điểm thị trường hàng hoá sôi động hơn, phong phú hơn, lượng cung – cầu cũng nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm để một số đối tượng đẩy giá lên cao hoặc đưa những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại ra thị trường.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng liên tục phát hiện và đã xử lý trên 1.000 vụ việc liên quan đến lĩnh vực thương mại, xử lý và phạt hành chính hàng tỷ đồng và tổ chức tiêu huỷ khối lượng lớn hàng hoá vi phạm. Dẫu đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng do đặc điểm của thị trường cuối năm thì số lượng vi phạm thương mại ngày một tăng.
Nóng nhất vẫn là tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không nhãn mác tập trung ở nhóm hàng công nghệ – thực phẩm, hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng, quần áo. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều hơn. Vùng nông thôn, dịp cuối năm thường nhộn nhịp hơn, người nông dân sau một năm lao động vất vả tích cóp được ít tiền mua sắm phục vụ nhu cầu tết và sinh hoạt.
Nhu cầu mua sắm tăng nhưng đây cũng là thị trường mà người dân mua hàng hoá ít quan tâm, hoặc thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như “dễ tính” hơn trong đòi hỏi chất lượng nên một số hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có lượng tiêu thụ mạnh.
Để đảm bảo lành mạnh hóa thị trường cuối năm, nhất là trong dịp trước và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cần chỉ đạo toàn lực lượng và mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường từ khâu lưu thông trên các tuyến đường đến các khu buôn bán, từ thành thị đến các vùng nông thôn.
Không tuần tra, kiểm soát đơn thuần chung chung mà cần phải dựa vào dân, phối hợp cùng các ngành chức năng, chính quyền cơ sở và đặc biệt là bám sát địa bàn, nắm vững diễn biến thị trường kịp thời kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm; tập trung kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các mặt hàng: pháo các loại, đèn trời, đồ chơi bạo lực, hàng dễ cháy nổ, rượu, bia, thuốc lá, khoáng sản và lâm sản.
Song song với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, kiểm tra an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm minh các đối tượng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao gây mất ổn định thị trường. Ngành công thương cũng cần có kế hoạch và chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng hàng hoá đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt cùng với người tiêu dùng khi mua hàng cần xem rõ xuất xứ hàng hoá, nhãn mác và chỉ mua hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng không ham rẻ mua hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, phát hiện tổ chức, cá nhân buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái và các hành vi vi phạm thương mại cần báo cho các ngành chức năng để xử lý. Sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và người dân chắc chắn sẽ có một thị trường lành mạnh hơn, minh bạch hơn.
Thanh Phúc