YBĐT – Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm cả nước xảy ra 250 – 500 ca ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến gần 10.000 người, làm tử vong 100 – 200 người.
Theo thống kê của Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thì mỗi ngày Khoa tiếp nhận và cấp cứu 150 trường hợp ngộ độc trên cả nước liên quan đến thực phẩm, đồ uống. Mới đây nhất là ngày 19/2/2017, xảy ra vụ ngộ độc tập thể do rượu tại một đám tang ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu làm 9 người tử vong.
Tại Yên Bái, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm, 573 người mắc, 6 trường hợp tử vong.
Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về an toàn thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh ATTP đến nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng thông qua các hình thức truyền thông vào các tháng cao điểm như dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội đầu xuân, tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu… trên các hệ thống phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác ATTP, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đồ uống trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt được quan tâm.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trên toàn tỉnh được đẩy mạnh. Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP các cấp đã thành lập 452 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra gần 6.000 lượt cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ, ăn uống. Qua kiểm tra, đã phát hiện 542 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính trên 236 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy trị giá trên 366 triệu đồng với các loại hàng hóa, thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, năm 2016, số vụ, số ca mắc, số ca tử vong thuộc lĩnh vực ATTP đều tăng so với năm 2015; tình hình ngộ độc thực phẩm, đồ uống diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về ATTP của người dân chưa kịp thời, đầy đủ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; công tác quản lý nhà nước về chất lượng ATTP mới chỉ tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn; một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền; công tác tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, người tiêu dùng vẫn thiếu kiến thức về vấn đề vệ sinh ATTP.
Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2017, căn cứ Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 20/2/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP năm 2017, các sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng triển khai kiểm tra ATTP trong các đợt cao điểm, hậu kiểm theo các chuyên đề, kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống.
Sở Y tế – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương thực hiện thanh tra, kiểm tra hậu kiểm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm của các cơ sở thực phẩm, đồ uống thuộc lĩnh vực do các cơ sở quản lý theo quy định; chủ trì phối hợp với cơ quan truyền thông, các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động nâng cao kiến thức về vệ sinh ATTP, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thanh Tân