Tận dụng lợi thế, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống để trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Yên Bái là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là địa bàn chiến lược quan trọng, “cửa ngõ” miền Tây Bắc Tổ quốc; là tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên, sinh thái phong phú; có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của 30 dân tộc anh em; có hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng khá đồng bộ; điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đặc trưng.
Yên Bái quyết tâm tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. Ảnh minh họa: Vẻ đẹp của Mù Cang Chải. |
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng đô thị, nông thôn và hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc với trên 50% số xã và 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.Về kinh tế, tỉnh có mức tăng trưởng khá trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 3 lần so với năm 2015. Đặc biệt, dịch vụ, du lịch phát triển nhanh, đa dạng, phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch và hình thành một số sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu, có thương hiệu trong và ngoài nước.
Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Tập trung phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tăng thêm tỷ lệ che phủ rừng. Phải quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước hồ Thác Bà, sông Hồng và các con sông trên địa bàn tỉnh. Cần nhận thức đầy đủ rằng, nhiệm vụ này là một trong những nội dung bảo đảm cho Yên Bái “Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời, góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, sự ổn định và phát triển bền vững của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
Một nhiệm vụ nữa, là quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chăm lo nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác an sinh, phúc lợi xã hội. Tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; coi trọng và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, gắn với khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuyết Nhung