Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái sẽ đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua; đề ra phương hướng, xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong nhiệm kỳ mới.
Sáng 23/9, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tới dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Yên Bái là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là địa bàn chiến lược quan trọng, “cửa ngõ” miền Tây Bắc Tổ quốc; là tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên, sinh thái phong phú; có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của 30 dân tộc anh em; có hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng khá đồng bộ; điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đặc trưng.
Đánh giá 5 năm qua, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Yên Bái đã có quyết tâm chính trị cao. Địa phương đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt thế mạnh của địa phương và đạt được những thành tựu rất quan trọng, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng và các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX nhiệm kỳ 2020-2025. |
Về kinh tế, tỉnh có mức tăng trưởng khá trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 3 lần so với năm 2015. Đặc biệt, dịch vụ, du lịch phát triển nhanh, đa dạng, phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch và hình thành một số sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu, có thương hiệu trong và ngoài nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng đô thị, nông thôn và hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc với trên 50% số xã và 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thường trực Ban Bí thư cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét. Thứ nhất, cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng tỉnh nhà theo hướng : “Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập trung phát triển, cơ cấu lại nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn; tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị; mỗi xã có một sản phẩm (OCOP) bảo đảm tiêu chuẩn, thương hiệu quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sự hài lòng về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
“Chúng tôi theo dõi và thấy rằng Đại hội Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc của nhân dân vào trong báo cáo. Đây là điều đặc sắc của Yên Bái”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Ông Vượng cũng lưu ý, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Cùng với đó, theo Thường trực Ban Bí thư, phải hết sức coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, coi đây là vấn đề sống còn đối với mỗi người dân và quá trình phát triển của tỉnh.
Tập trung phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tăng thêm tỷ lệ che phủ rừng. Phải quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước hồ Thác Bà, sông Hồng và các con sông trên địa bàn tỉnh. Cần nhận thức đầy đủ rằng, nhiệm vụ này là một trong những nội dung bảo đảm cho Yên Bái “Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời, góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, sự ổn định và phát triển bền vững của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
Một nhiệm vụ nữa, theo Thường trực Ban Bí thư, là cần quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững |
Chăm lo nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác an sinh, phúc lợi xã hội. Tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; coi trọng và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, gắn với khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thường trực Ban Bí thư, cần tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an ninh dân tộc, tôn giáo, nông thôn, an ninh mạng…; trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, dân chủ, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin rằng, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chính trị cao, Đại hội sẽ dân chủ, sáng suốt lựa chọn được các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, là trung tâm đoàn kết, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ tỉnh để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa tới và tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Yên Bình