YênBái – Vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Yên Bái. Ngay từ đầu năm, tỉnh đ phân bổ và giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, công tác giải ngân nguồn vốn này từ đầu năm tới nay vẫn rất ì ạch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 27/5, tổng giá trị giải ngân vốn ODA đạt 11.308 triệu đồng, bằng 2,9% tổng kế hoạch vốn ODA được giao.
Nguyên nhân gây chậm trễ chủ yếu vẫn là vướng mắc về quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, một số dự án đã có khối lượng giải ngân và thực hiện các thủ tục thanh toán theo hiệp định đã ký. Tuy nhiên, việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc giải ngân của dự án.
Ngoài ra, cũng phải kể đến do tác động của dịch Covid – 19. Hầu hết các hoạt động của các dự án từ nguồn vốn này đều gắn với yếu tố nước ngoài từ huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án… kéo theo hoạt động giải ngân cũng bị ngưng trệ do không có khối lượng hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 thì việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay nước ngoài được coi như “chìa khóa” cho tăng trưởng, góp phần hiện thực hóa “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid – 19 vừa phát triển kinh tế.
Do đó, để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, đòi hỏi các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, sở, ngành liên quan cần khẩn trương tháo gỡ “điểm nghẽn”. Đồng thời, để thúc đẩy giải ngân vốn vay nước ngoài, UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; thường xuyên giao ban xây dựng cơ bản và rà soát kế hoạch xây dựng từng tháng, từng quý, từng dự án, nắm bắt những dự án chậm trễ để có phương án xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác rà soát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư để xử lý các điểm nghẽn trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, vốn vay nước ngoài, công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, gắn với trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021.
Các bộ, ngành Trung ương cần linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn nước ngoài; các đơn vị chủ đầu tư phải bám sát các bộ, ngành Trung ương và các sở ngành địa phương chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đặc biệt, các chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ để có khối lượng hoàn thành, gửi Kho bạc Nhà nước để được xác nhận kiểm soát chi, đủ điều kiện thanh toán.
Văn Thông