YBĐT – Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 8/11/2018, đã có 19 quốc gia báo cáo nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn mắc bệnh trên 372 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.
Tại Trung Quốc, từ ngày 03/8/2018 đến ngày 09/11/2018, có gần 70 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh, đã có hơn 470 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Simao, thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km). Do đó, nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam là khá cao.
Mặc dù không phải là tỉnh nằm sát đường biên giới nhưng thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Yên Bái, do đó nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh vẫn có thể xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp và độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh đã triển khai nhiệm vụ phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thị, thành phố nghiêm túc, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành Công văn số 1299/SNN-CNTY ngày 05/9/2018 về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Ngay bây giờ, các ngành chức năng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước, trong tỉnh tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Các địa phương chủ động giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn nói chung và nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi để kịp thời triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.
Cùng với sự vào cuộc của ngành chuyên môn, các địa phương thì mỗi hộ dân cần phải chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm của dịch ở mức cao nhất.
Hồng Duyên