Với những màu sắc rực rỡ, váy của phụ nữ Mông có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa, rung rinh theo mỗi bước chân của thiếu nữ tựa những bông hoa di động giữa núi rừng Tây Bắc.
Đến với những bản người Mông ở vùng núi Tây Bắc, bắt gặp hình ảnh những phụ nữ, những em bé Mông với quần áo sặc sỡ như những bông hoa di động, du khách mới hiểu hết được sự đa dạng sắc màu trong trang phục của người Mông. Sự tinh tế được thể hiện trên từng đường thêu, mũi chỉ tạo nên những họa tiết tinh xảo là cả một quá trình cần mẫn trong lao động và trí tưởng tượng phong phú của phụ nữ Mông.
Trước đây, phụ nữ Mông dùng nguyên liệu thiên nhiên là cây lanh để dệt vải. Vải lanh có độ bền cao, bó lanh cắt về được phơi nắng vài tuần trước khi tước sợi, sau đó đưa vào cối giã mềm rồi nối lại thành từng cuộn. Lanh sau khi giặt được luộc cho tới khi sợi mềm và trắng, chia sợi rồi mắc vào khung cửi.
Ngay từ nhỏ, những thiếu nữ người Mông má đỏ hây hây đã được bà, mẹ dạy cho kỹ năng dệt vải, thêu thùa. Vì vậy, đến các bản làng người Mông không phải mùa nương rẫy, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những cô bé tầm 10- 11 tuổi, các bà, các chị ngồi bên khung cửi dệt vải, phơi lanh, thêu thùa trước hiên nhà.
Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và bộ trang phục. Vì vậy, trước khi đi làm dâu, cô gái bao giờ cũng có vài bộ váy áo làm của hồi môn.
Trang phục của phụ nữ Mông rất đa dạng về màu sắc, gồm áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Áo có cổ chữ V, hai bên được nẹp thêm vải màu tùy thích, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa. Hai ống tay áo thường thêu những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Đây cũng là nơi tập trung nhiều hoa văn làm nổi bật chiếc áo. Cũng tùy từng người Mông đen hay Mông trắng, Mông đỏ… mà các hình họa tiết thêu trên áo cũng khác nhau.
Thường trang phục của phụ nữ Mông hoa và Mông trắng, trên lưng áo có nhiều hoa văn hình học như hình vuông, hình chữ nhật, hình quả trám, xoáy ốc hay hình tròn… Còn nếu đó là trang phục của phụ nữ Mông đen và Mông đỏ, các họa tiết trang trí chỉ tập trung trên hai ống tay áo và phía trước ngực. Các hoa văn thường là hình bông hoa, hình vuông, hình chữ nhật và hình tam giác…
Váy của phụ nữ Mông có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy may những sợi chỉ to với nhiều màu sặc sỡ. Ở giữa váy bao giờ cũng được thêu nhiều hoa văn cầu kỳ. Phần chân váy là phần tập trung các họa tiết và được trang trí tinh xảo nhất.
Màu sắc được trang trí trên váy thường là: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen… Mỗi hoa văn, họa tiết đều ẩn chứa ý nghĩa, là sự gắn kết giữa đời sống của con người với thiên nhiên. Khi mặc vào người, những bước đi của người phụ nữ tạo ra những lớp sóng nhẹ nhàng theo mỗi bước chân, khi ngồi xuống, váy xòe rộng ra thành vòng tròn như một bông hoa nở rộ.
Để tạo nên sự nổi bật của trang phục không thể thiếu được chiếc thắt lưng, là một miếng vải rộng khoảng 6 -7 cm và dài 2m, đoạn giữa được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn lên đường eo thon, làm cho các thiếu nữ có vóc dáng đẹp hơn. Trong trang phục phụ nữ Mông còn có xà cạp quấn chân. Phụ nữ Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn sặc sỡ, tạo nên một sắc thái riêng.
Màu sắc để dùng làm váy áo của người phụ nữ Mông bao giờ cũng là những màu tươi, rõ ràng như đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây, lam, tím… Đặc biệt, màu đỏ giữ vị trí chủ đạo. Khi thêu, trí tưởng tượng của phụ nữ Mông khá phong phú với những họa tiết đẹp, lạ mắt. Họ còn tính toán từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ hoa văn trong mảnh vải, vì vậy trang phục của người Mông không thể lẫn với bất kỳ trang phục của dân tộc nào khác, tạo nên những nét đẹp quyến rũ riêng.
Dân tộc H’mông cư trú tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái -, Cao Bằng … Họ sống quần tụ trong từng bản có vài chục nóc nhà, thường thích sống khép kín. Nhà cửa là loại nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Phổ biến là nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Nơi họ sinh sống thường có chợ phiên, vừa là nơi trao đổi hàng hóa, vừa là nơi thể hiện nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt. Nghề dệt vải lanh là một trong những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H’mông. Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. |
Anh Phương