YênBái – Trong thời gian qua, tuổi trẻ Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng và cụ thể hóa chủ đề của Tháng Thanh niên năm nay là “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số (CĐS)” nhằm phát huy vai trò của thanh niên tham gia tích cực trong công cuộc CĐS.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo: “Thanh niên phải tiên phong trong lao động sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh CĐS quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Thấm nhuần tư tưởng ấy, với sứ mệnh tiên phong trong CĐS, tuổi trẻ Yên Bái đã là lực lượng đông nhất, hăng hái nhất trong gần 10.000 thành viên của 1.356 tổ CĐS cộng đồng đưa CĐS đến từng ngõ, từng nhà và mọi người dân trong tỉnh đều được nghe, được biết về CĐS, đưa người dân trở thành những công dân số.
Và ngay trong những ngày tháng 3 này, màu áo xanh tình nguyện lại thêm một lần nữa trở nên quen thuộc tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, tại các hộ gia đình, không kể thời gian để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng YenBai-S. Nhờ có thanh niên mà các cụ phụ lão, các bác trung niên đã biết đến một ứng dụng “Công dân số” hiệu quả trên điện thoại thông minh, trực tiếp tương tác với chính quyền các cấp và sử dụng được các tiện ích mà YenBai-S mang lại.
Thanh niên là những người tiếp cận công nghệ tốt nhất, có khả năng học hỏi, nắm bắt công nghệ nhanh, có tư duy, kỹ năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số nên họ là lực lượng đông nhất sử dụng các tiện ích số như: sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng YenBai-S, Sổ tay đảng viên điện tử, phòng họp không giấy tờ…, góp phần quan trọng đưa Yên Bái nhảy vọt 13 bậc trên bảng xếp hạng CĐS quốc gia, đứng vị trí 27/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thanh niên với vai trò xung kích, chấp nhận thử thách để tiếp cận cái mới song họ cũng gặp những khó khăn, nhất là đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tư duy và khả năng ứng dụng CĐS hạn chế chính là “rào cản” khiến họ gặp khó trong việc tiếp cận và truyền đạt công nghệ số, ứng dụng số cho người dân ở khu vực này.
Chính vì vậy, Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái khóa XV, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã xác định nâng cao năng lực số cho cán bộ đoàn và đoàn viên là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ. Phấn đấu đến năm 2027, trên 60% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện. Tối thiểu 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 70% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Yên Bái xác định năm 2023 là năm “bứt phá trong CĐS” với chủ trương “CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn”. Tỉnh cũng xác định nhiệm vụ đột phá nhất trong CĐS của năm 2023 là “Nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái” nhằm hướng tới sự hài lòng và hạnh phúc của người dân.
Do vậy, trong quá trình thực hiện CĐS, không thể thiếu lực lượng nòng cốt, tiên phong là các bạn ĐVTN trên tất cả các lĩnh vực. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tinh thần của người trẻ đầy nhiệt huyết, xung kích đi đầu tiếp cận cái mới, nắm bắt xu thế thời đại. Thanh niên cũng cần tiên phong, chủ động nghiên cứu, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nền tảng số ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong công tác và sản xuất, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nỗ lực phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của mình, phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ để có thật nhiều tấm gương thanh niên thành công trong CĐS, đưa Yên Bái bứt phá trong CĐS, là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống giúp người dân hạnh phúc hơn theo triết lý phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Mạnh Cường