Phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, “nên treo bản kê khai tài sản của cán bộ ở những nơi mà người dân có thể nhìn thấy”.
Phát biểu trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 7/11, thiếu tướng Sùng Thìn Cò – Phó tư lệnh Quân khu 2, thẳng thắn nêu vấn đề: “Chúng ta nói về chống tham nhũng nhiều lắm rồi, nhưng phải nhìn lại chính mình, bản thân tôi cũng vậy thôi”.
Ông cho rằng, bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức cần được công khai rộng hơn.
“Tài sản của cán bộ phải được khai báo đến 3 đời, treo ở những nơi dân nhìn thấy thì dân mới giám sát được, nhất là dịp chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội. Nếu bản kê khai tài sản mà cứ giấu giếm là sợ người khác biết, là không minh bạch ”, ông Sùng Thìn Cò dứt khoát.
Phó tư lệnh Quân khu 2 đề nghị, trường hợp cần thiết, các cơ quan tiến hành phát phiếu thăm dò trong cán bộ công chức, trong nhân dân về việc “ông nào tham nhũng nhiều nhất” và qua đó nếu phát hiện ra người tham nhũng thì phải cho nghỉ việc, “như vậy mới triệt để”.
Trên diễn đàn Quốc hội, tướng Sùng Thìn Cò kể câu chuyện đời xưa ở Trung Quốc, có một ông vua đã sai lầm khi đưa trung thần ra pháp trường để chém đầu. Trước khi chết, vị trung thần hỏi vua “đức vua có biết tài sản lớn nhất của mình là gì không?”. Vua không trả lời được. Ông tiếp lời: “Tài sản lớn nhất của vua là lòng dân, vua cứ chém tôi rồi vua cũng đi theo vì tham quan lũng loạn, mất lòng dân”.
Theo tướng Sùng Thìn Cò, tài sản lớn nhất là của Nhà nước lòng dân, nếu không trị được tham nhũng – giặc nội xâm thì sẽ khiến dân mất niềm tin. “Lúc đó chúng ta không trách ai cả, mà trách chính mình”, ông nói.
“Đấu tranh này là trận cuối cùng”
Nhắc lại ví von của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên, rằng tham nhũng lan nhanh như virus, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, “khi đấu tranh với bệnh dịch thì khoanh vùng nghĩa là căn bản giải quyết được vấn đề”.
Ông Quốc phân tích, ở Việt Nam, các trường hợp tham nhũng chỉ có thể là một bộ phận nhỏ nằm trong số những cán bộ, đảng viên có chức vụ quyền hạn. “Không phải đảng viên thì làm đến phó phòng cũng khó, nghĩa là người dân miễn dịch với tham nhũng”, ông nói.
Theo ông, với đặc điểm nêu trên thì quyết tâm của Đảng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là điều quan trọng nhất. “Đảng chấn chỉnh nội bộ, quay lưng với tham nhũng thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, sẽ đứng đằng sau”, ông nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc nói với giặc ngoại xâm thì không có cuộc đấu tranh nào là cuối cùng. Nhưng, chống tham nhũng – giặc nội xâm đe doạ sự tồn vong của chế độ, thì “đấu tranh này là cuộc cuối cùng”.
“Hơn 70 năm qua biết bao thành tựu mà đằng sau các thành tựu đó là sự ủng hộ của người dân. Đảng gương mẫu thì sẽ giữ được vai trò của mình với lịch sử. Đương nhiên lịch sử hết sức nghiêm khắc. Tôi nói điều này với tấm lòng, cũng là mong muốn của người dân để bảo vệ chế độ hơn 70 năm qua bằng xương máu của chúng ta gìn giữ đến ngày hôm nay”, nhà sử học nhấn mạnh trong phần cuối phát biểu của mình, với tư cách một đại biểu Quốc hội không phải đảng viên.
Tiếp mạch ý kiến về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đại biểu Dương Văn Thống – Phó bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái -, nêu hình ảnh “mía sâu từng đốt, nhà dột từng nơi”.
Ông cho hay cử tri phản ánh với ông rằng, “hiện nhà dột khá nhiều nơi, sâu cũng rất nhiều”, nên phải “bắt sâu” thì mới làm xã hội ngày càng tốt lên được.
Quốc hội dành trọn ngày hai ngày làm việc (6 và 7/11) để thảo luận về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu trải rộng nhiều vấn đề, trong đó nhiều ý kiến cho rằng giải pháp kê khai tài sản để chống tham nhũng còn hình thức; việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đạt hiệu quả chưa cao, hơn 92% số tiền tham nhũng trong 10 năm qua còn bị thất thoát…
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, chống tham nhũng “tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá”.
Ông nói, tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công; việc phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều.
“Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là thanh tra giao thông, hải quan, cảnh sát, tòa án, phóng viên báo chí…”, ông Khái nói.
Trong thời gian tới, ông Khái cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu một số vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng
Hoàng Thuỳ – Anh Minh