YênBái – 77 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6/1/1946) vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.
Đó là dấu son chói lọi trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ của nước ta với một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý, đại diện cho nhân dân Việt Nam trên các lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Trải qua 77 năm xây dựng, lớn mạnh và trưởng thành với XV khóa bầu cử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, Quốc hội đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy đến nay, một chế độ bầu cử thực sự tự do, thực sự dân chủ đã được duy trì hiệu quả qua các thời kỳ phát triển của đất nước ta, dân tộc ta. Người dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng đã lần lượt được tham gia 15 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, bình đẳng và tự do lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất, xứng đáng nhất để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình.
Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước ta, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tới độc lập, tự do, hạnh phúc, đặc biệt là những thắng lợi vô cùng to lớn sau gần 40 năm đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cho Đảng và Nhà nước ta vận dụng vào công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp và xác định 4 nguyên tắc bầu cử được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đó là: nguyên tắc phổ thông, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc trực tiếp và nguyên tắc bỏ phiếu kín.
Cùng với đó là việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy Nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả được chú trọng.
Với thành công rực rỡ và tỷ lệ cử tri đi bầu cử của cả nước nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng đạt cao (99,96%) trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua, Quốc hội đã một lần nữa khẳng định rõ hơn vai trò trách nhiệm cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thanh Hương