Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng-chính trị, đạo đức-lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đây được xem là một thành công lớn của Trung ương trong quá trình nhận diện, đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, tiêu cực. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta xác định một cách đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, sâu tận “gốc rễ” những biểu hiện suy thoái, mà từ trước đến nay dù rất quyết tâm vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Có lẽ bởi thế mà dư luận chung đặc biệt hoan nghênh trước thái độ thẳng thắn, khách quan của Trung ương trong đánh giá, nhận diện biểu hiện suy thoái nội tại và xem đây là căn cứ để mỗi tổ chức cơ sở Đảng cụ thể hóa thành cơ chế, chế tài, quy định trong phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái ở mỗi cấp.
Hơn thế, nhiều ý kiến cho rằng, 27 biểu hiện suy thoái được Trung ương “chỉ mặt, điểm tên” lần này là những hiện tượng vốn có, đã và đang hiện hữu trong thực tiễn, được nhận diện từ việc rà soát, tổng hợp ở các cấp. Do đó, phần việc này được ví như giải pháp khiến “kẻ thù nội xâm hiện nguyên hình”, giúp tổ chức Đảng có căn cứ đúng, trúng để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực đạt hiệu quả.
Tuy vậy, qua thực tiễn tổ chức quán triệt, triển khai cho thấy, hiện nay vẫn còn không ít tổ chức cơ sở Đảng tỏ ra lúng túng trong thực hiện. Thậm chí, nhiều chi bộ chưa quan tâm, chú trọng đến công tác quán triệt, giáo dục sâu, kỹ nội dung này; chưa cụ thể hóa được vào nghị quyết lãnh đạo ở cấp mình…
Thực tế đó đòi hỏi công tác quán triệt, giáo dục cần được tiếp tục triển khai quyết liệt hơn, thường xuyên hơn với mục tiêu, yêu cầu cụ thể, rõ ràng. Nên chăng, cần có những quy định thống nhất trong việc bắt buộc cán bộ, đảng viên nắm sâu, hiểu kỹ 27 biểu hiện suy thoái do Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) xác định.
Phần việc đó sẽ giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đầy đủ, chủ động tự phòng vệ trước nguy cơ dẫn đến suy thoái và xác định trách nhiệm trong đẩy lùi biểu hiện suy thoái của bản thân và trong đội ngũ, cơ quan, đơn vị mình.
Một việc cần làm ngay nữa là cấp ủy, chỉ huy bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương để cụ thể hóa vào chương trình hành động và nghị quyết của cấp mình trong tổ chức thực hiện. Để làm được điều đó, trước hết cần triển khai một đợt tổng rà soát, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tổng thể trong nội bộ ở tất cả các cấp để xác định, nhận diện những nguy cơ và biểu hiện suy thoái đã và đang tồn tại.
Trên cơ sở đó, xác định nguy cơ nào là quan trọng, biểu hiện nào là nổi trội, để tập trung sức lãnh đạo ngăn chặn, đẩy lùi với thái độ, trách nhiệm cao nhất.
Tất nhiên, ở mỗi tổ chức cơ sở Đảng thường chỉ có một hoặc một số biểu hiện suy thoái cụ thể nổi trội (với mức độ khác nhau), do đó, việc quan trọng là phải nhận diện được nó để có chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực. Đối với tổ chức chưa xuất hiện những biểu hiện cụ thể, cần chủ động rà soát để nhận rõ nguy cơ dẫn đến biểu hiện suy thoái nhằm ngăn chặn kịp thời. Làm được như vậy sẽ giúp mỗi “tế bào Đảng” đẩy lùi triệt để từng biểu hiện suy thoái cụ thể, góp phần làm cho mỗi tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Một việc cần kíp nữa là cán bộ chủ trì và người đứng đầu phải có thái độ quyết liệt, trách nhiệm và nêu gương cho cấp dưới trong phát hiện, đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền. Mỗi cán bộ chủ trì phải xác định được những biểu hiện cần khắc phục của bản thân trong từng giai đoạn cụ thể và công khai hóa trước tổ chức để đơn vị và cấp dưới theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra.
Cùng với đó, ở mỗi cấp cần sớm nghiên cứu các tiêu chí để đánh giá mức độ suy thoái (cho từng biểu hiện), gắn với các hình thức kỷ luật Đảng thích đáng, hợp lý để nâng cao tính răn đe, giáo dục cán bộ, đảng viên ở mỗi cấp.
(Theo Dangcongsan.vn)