YBĐT – Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nòng cốt và động lực trong các phong trào thi đua yêu nước của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để việc xây dựng điển hình tiên tiến đúng, trúng, kịp thời, đảm bảo nghiêm túc ở cả ba khâu: phát hiện, xây dựng và nhân rộng thì cần sự chủ động, quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị…
Hưởng ứng các phong trào thi đua, trong đó có phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến có sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Năm 2016, đã có 1.140 tập thể, 1.749 cá nhân điển hình tiên tiến được UBND tỉnh tặng bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân được nhận huân chương, huy chương các loại và cờ thi đua của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
Đó là minh chứng sống động cho thấy sự tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước trong lao động, học tập, sản xuất, công tác của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phong trào thi đua trong các khối, các lĩnh vực được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, bao quát được các lĩnh vực của đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các địa phương trong tỉnh. Nội dung và mục tiêu thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Các phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy quá trình đổi mới và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khích lệ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Việc biểu dương, tôn vinh các tấm gương lao động luôn được kịp thời và bằng các hình thức thiết thực, động viên cả về tinh thần và vật chất, tạo cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân thấy hạnh phúc vì được ghi nhận những cố gắng trong lao động sản xuất, từ đó tiếp thêm động lực để họ cống hiến nhiều hơn.
Tuy nhiên, điểm hạn chế trong công tác xây dựng điển hình tiên tiến là một số đơn vị chưa thường xuyên chú trọng đến việc tuyên truyền, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt; hiệu quả của việc làm theo và tính thuyết phục chưa cao; việc tổng kết thi đua ở một số nơi còn mang tính hình thức, tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa được bình đẳng, bình bầu suy tôn mang tính nể nang, “dĩ hòa vi quý”, công tác kiểm tra, giám sát việc đề xuất, tôn vinh khen thưởng không chặt chẽ…
Do đó, để thực hiện tốt chủ đề thi đua năm 2017 của tỉnh là: “Cán bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đoàn kết, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, thi đua toàn diện, về đích sớm nhất” thì việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định khen thưởng đảm bảo khen đúng – trúng, kịp thời và có hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực phối hợp, đi sâu, đi sát, phát hiện và tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến là những người dân bình thường, nông dân, công nhân, đặc biệt chú trọng đến bà con vùng sâu, vùng xa; tạo môi trường thuận lợi để những “hạt giống đỏ” tiếp tục nêu gương, tỏa sáng.
Đồng thời, cần khai thác được ý nghĩa và hiệu quả, chuyển biến của việc khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân sau khi được khen thưởng; tích cực đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền gương người tốt – việc tốt những cách làm hay, sáng kiến tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thanh Chi