Một trong những điểm nổi bật tại nhiệm kỳ này của tỉnh Yên Bái là đã xây dựng và tích cực triển khai mô hình chính quyền điện tử gắn với Đề án xây dựng đô thị thông minh.
Thông tin này được Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết tại họp báo trước Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần này.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 – 2025 chính thức khai mạc vào sáng 23/9 |
Theo ông Duy, Yên Bái đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã hoạt động liên thông, giải quyết 100% thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 99%.
Từ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, xếp hạng của tỉnh về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh hằng năm đều tăng từ 6 – 8 bậc.
3 nhóm nhiệm vụ giải pháp
Trả lời thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Yên Bái Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 vừa qua, tỉnh Yên Bái đã tăng cường, đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái, phiên bản 1.0; Quyết định phê duyệt Kiến trúc đô thị thông minh tỉnh Yên Bái và Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.
Thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh, Năm 2019 – 2020 tỉnh đã triển khai xây dựng được nhiều hạng mục như: Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện tử; Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng; Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm; Hệ thống giáo dục, y tế, du lịch thông minh…
Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh ông Thắng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Một là, tập trung đầu tư, tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin với công nghệ tiên tiến, hiện đại có tính bảo mật, an toàn, an ninh cao. Tiếp tục triển khai mở rộng các nhiệm vụ của đô thị thông minh tầm nhìn đến năm 2025; thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Các đại biểu biểu quyết tại phiên họp trù bị chiều 22/9 |
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao để tiếp nhận công nghệ, vận hành Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin có hiệu quả.
Đẩy mạnh việc tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng, dịch vụ của đô thị thông minh, của Chính quyền điện tử thông qua các thiết bị công nghệ như: Máy tính, điện thoại thông minh…
Qua đó nhằm cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, triển khai internet băng thông rộng chất lượng cao, cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích, mở rộng các loại hình dịch vụ đáp ứng các nền tảng kỹ thuật cho chương trình chuyển đổi số.
Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Yên Bái xác định một trong những mục tiêu phát triển đô thị là: “Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đồng thời, đi đầu và tạo sức bật mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu này tỉnh phấn đấu “Xây dựng thành phố Yên Bái sớm trở thành đô thị loại II – Xanh, bản sắc và hạnh phúc”.
Bí thư Thành ủy thành phố Yên Bái Đỗ Đức Minh thông tin: Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đưa ra hàng loạt giải pháp.
Trước hết, tỉnh định vị và nhận diện rõ vị thế, vai trò của thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là hạt nhân trong chuỗi liên kết vùng của tỉnh, là cửa ngõ, đô thị động lực trong khu vực Tây Bắc; đánh giá đúng lợi thế địa chính trị, địa kinh tế của tỉnh và thành phố Yên Bái trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và trong chuỗi giá trị kinh tế của vùng Tây Bắc.
Đồng thời xác định rõ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức, để từ đó quy hoạch và đưa ra định hướng, giải pháp phát triển phù hợp, có tầm nhìn dài hạn, xứng đáng với vai trò, vị thế của thành phố, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nội lực sẵn có, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống, sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố.
Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung xây dựng và phát triển thành phố theo hướng xanh, bền vững, bảo đảm các tiêu chí của đô thị văn minh và bao hàm sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá. Trong đó, trọng tâm là quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, phát huy khả năng kết nối và liên kết vùng.
Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị bảo đảm đồng bộ, hiện đại nhất là hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, hạ tầng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, truyền thông.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa bên phía hữu ngạn sông Hồng, phát triển các khu đô thị mới, có tính biểu tượng dọc hai bên sông, gắn với nâng cao chất lượng các tiện ích đô thị; phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng xanh và bền vững, theo mô hình “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.
Tăng cường công tác quản lý đô thị, trọng tâm là quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng về phát triển xanh, bền vững.
Tích cực chuyển đổi số, tăng cường khả năng tiếp cận xã hội số cho người dân, tạo nền tảng để sớm hoàn thành xây dựng đô thị thành phố Yên Bái thông minh.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy thành phố Yên Bái cũng đề cập đến nhóm giải pháp về tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là các chính sách của tỉnh để phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tiện ích, nhất là các ngành dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng khoa học công nghệ cao như: vận tải, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, vui chơi giải trí…
Gia Nguyên
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ về các giải pháp đưa Yên Bái ‘cất cánh’
Yên Bái xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của Vùng vào năm 2030.