– Đêm 12/9, Thị xã Nghĩa Lộ đã có màn biểu diễn đại xòe đón nhận Xòe Thái Mường Lò trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể.
Màn đại xòe với sự tham gia của 1.500 nghệ sỹ từ các đội xòe của 7 xã phường Thị xã Nghĩa Lộ đã được tổ chức tại SVĐ Thị xã – vùng đất cổ của tổ tiên người Thái Mường Lò.
Một chương trình múa xòe đặc sắc đã được các nghệ sỹ biểu diễn để chuyển tải văn hóa trong đời sống tinh thần của người Thái đen đất Mường Lò.
Chủ tịch UBND – Phó Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đã trao quyết định công nhận Xòe Thái Mường Lò là Di sản văn hóa phi vật thể do Bộ trưởng VH-TT-DL ký cho lãnh đạo UBND Thị xã Nghĩa Lộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà trao QĐ công nhận Di sản |
Xòe Thái đã chính thức trở thành một trong 26 Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo QĐ số 1877/QĐ – BVHTTDL ký ngày 06/8/2015.
Trong bốn vựa lúa của Tây Bắc, Mường Lò là vựa lúa lớn thứ hai trong bốn cánh đồng mường Thanh – mường Lò, mường Than, mường Tấc.
Người Thái đen chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số của Thị xã Nghĩa Lộ, đã khởi tạo, gìn giữ, phát triển một bề dày văn hóa của đất Thái Mường Lò.
Trong cuộc sống tinh thần của người Thái đen Mường Lò, xòe là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó gắn bó với người Thái trong từng hơi thở, trở thành một phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng miền.
Bên cạnh hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, người Thái Mường Lò còn có nhiều lễ hội dân gian, nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu dân ca, dân vũ… đặc sắc, trong đó phải kể đến điệu múa xòe, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ hay được gọi theo tiếng Thái là “xé cáu ké”.
6 điệu xòe cổ này là khởi nguồn cho 36 điệu xòe phổ thông vẫn được người Thái vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ gìn giữ và lưu truyền. Nó cũng phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông, đoàn kết chống lại kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi, nảy nở.
Những điệu xòe cổ cũng là một xã hội thu nhỏ của người Thái phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian đã đem lại một sắc thái độc đáo.
Trước đó, năm 2013, Nghĩa Lộ đã tổ chức màn đại xòe với sự tham gia của 2013 nghệ sỹ trong sự kiện Nghĩa Lộ là một trong bốn huyện thị của cả nước xây dựng “Thị xã Văn hóa Du lịch”.
Việc Xòe Thái Nghĩa Lộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn Thị xã Nghĩa Lộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà gửi gắm niềm tin và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND Thị xã Nghĩa Lộ bảo tồn, phát huy những thế mạnh, trong đó có múa xòe, để Nghĩa Lộ sớm hoàn thành mục tiêu của đề án, đảm bảo đời sống kinh tế, tinh thần cho các dân tộc cùng chung sống ở Mường Lò.
Nghĩa Lộ hiện có 48 đội xòe hạt nhân ở các lứa tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi. Bảy xã, phường của thị xã đều có đội văn nghệ, trong đó việc biểu diễn và truyền dạy 6 điệu xòe cổ được coi là mũi nhọn.
Đề án bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy 6 điệu xòe cổ đã được Nghĩa Lộ xây dựng và triển khai trong những năm qua. Xòe Thái Mường Lò đã không chỉ là bản sắc riêng của người Thái Nghĩa Lộ mà còn là tài sản chung Quốc gia.
Kiên Trung – Lê Anh Dũng