>> Yên Bái nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở
Thực hiện chương trình phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện và cơ sở kiểm tra, rà soát các tổ hòa giải để kịp thời củng cố, thành lập mới tổ hòa giải tại các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư.
Cùng với đó, hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải viên, biên soạn và phát hành các loại tài liệu; tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thành công Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Yên Bái năm 2020” ở cả 2 cấp tỉnh và huyện.
Qua đó, kịp thời phát hiện những kinh nghiệm hay, những nhân tố mới, những điển hình xuất sắc trong hoạt động hòa giải để phổ biến, nhân rộng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho mọi tầng lớp nhân dân.
Hiện tại, toàn tỉnh có 1.383 tổ hòa giải với 8.676 hòa giải viên. Các hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải đều là trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư nên am hiểu kiến thức pháp luật, nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải đang ngày càng được nâng cao.
Ông Lê Xuân Huynh – Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, thường xuyên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở cho biết: “Những mâu thuẫn đó dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay phức tạp nếu không được giải quyết sớm sẽ làm mai một tình làng nghĩa xóm, đạo lý, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, làm mất trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Chính vì vậy, việc chủ động giải quyết bằng phương pháp tự thương lượng, có sự tham gia của tổ hòa giải đã góp phần làm giảm tính phức tạp của các vụ việc đi rất nhiều”.
Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và hòa giải 10.895 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 9.507 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Các vụ việc hòa giải việc chủ yếu là mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình về quan niệm sống, lối sống; vụ việc tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đồng dân cư… Riêng đối với các vụ việc vượt quá quyền hạn, các tổ hòa giải đều hướng dẫn các đối tượng đề nghị cơ quan chức năng giải quyết. Qua đó, góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Để công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của hoạt động hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là Luật Hòa giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, nâng cao năng lực quản lý hoạt động hòa giải ở cơ sở, bảo đảm 100% các thôn, bản, tổ dân phố có tổ hòa giải.
Cùng với đó, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải để động viên, khuyến khích hòa giải viên tham gia công tác hiệu quả, chất lượng…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc giới thiệu, bầu, công nhận, cho thôi hòa giải viên, củng cố kiện toàn tổ hòa giải, thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; theo dõi, đôn đốc các bên tham gia hòa giải…
Hồng Oanh