Triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 1956 (đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ) của tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh để chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các đề án, các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về học nghề, việc làm tới 100% cơ sở Hội.
“Trong thực hiện các hoạt động đào tạo nghề, Hội LHPN đặc biệt ưu tiên chỉ đạo tổ chức thực hiện tại các huyện, xã, vùng khó khăn của địa phương; thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách, đào tạo đúng đối tượng, đào tạo theo nhu cầu địa phương và theo nhu cầu của hội viên ở cơ sở, ưu tiên các đối tượng thuộc diện các hộ gia đình chính sách…; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm sau học nghề cho người lao động, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ và người lao động; đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, cung cấp lao động nữ có tay nghề cho các công ty may trong và ngoài tỉnh” – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Thủy cho biết.
Trong 10 năm từ 2012 – 2022, Hội LHPN tỉnh đã được giao và đặt hàng thực hiện các hoạt động về tuyên truyền Đề án 295 (Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015 của Chính phủ); biên soạn chương trình, giáo trình (Đề án 1956) và thực hiện các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ (Đề án 295, Đề án 1956); hỗ trợ phụ nữ sau đào tạo nghề thành lập các tổ hợp tác phát triển sản xuất, tổ hợp tác dịch vụ phù hợp với hội viên phụ nữ, lao động nữ.
Với nguồn kinh phí của Đề án 295, Hội đã duy trì hoạt động 4 mô hình: mô hình sản xuất rau an toàn xã Vĩnh Kiên (Yên Bình), Tổ hợp tác may Yên Thịnh (thành phố Yên Bái); Tổ hợp tác sản xuất miến đao xã Quy Mông (Trấn Yên); Tổ hợp tác dịch vụ ăn uống xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) với tổng số trên 120 thành viên tham gia; đồng thời, thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho phụ nữ sau học nghề, tạo nên chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.
Hội LHPN tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp thông qua cơ sở đào tạo thuộc Hội và phối hợp tổ chức đào tạo. Hội đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị tổ chức khảo sát, đăng ký nhu cầu học nghề của người lao động, đặc biệt chú ý đến đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh xây dựng hồ sơ tham gia đặt hàng đào tạo nghề với phòng lao động – thương binh và xã hội một số địa phương, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo Đề án 295, Đề án 1956 trình Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có trên 154.000 hội viên phụ nữ, nhu cầu đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ, con em hội viên phụ nữ là rất cao. Năm 2021, Trung tâm đã phối hợp với Hội LHPN huyện Trấn Yên, Lục Yên và hội LHPN các xã Vĩnh Kiên, Cảm Nhân, Tân Nguyên, Bảo Ái của huyện Yên Bình khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, Trung tâm đã xây dựng hồ sơ tham gia đặt hàng đào tạo nghề năm 2021 với phòng lao động – thương binh và xã hội huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên. Kết quả đã trúng thầu 31 lớp cho 990 hội viên”.
Giai đoạn 2012 – 2022, đào tạo nghề cho 6.272 người, trong đó nữ là 5.263 người; chủ yếu tập trung vào các nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp và nhu cầu của người học như: kỹ thuật may mặc, kỹ thuật nấu ăn, sản xuất mây tre song đan, chăn nuôi thú y…
Sau đào tạo nghề, 80% học viên có việc làm và tự tạo việc làm tại địa phương, như có việc làm mới ở các công ty may trên địa bàn tỉnh, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch cộng đồng hoặc mở nhà hàng, tham gia là thành viên của các mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã…
Theo kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 – 2025 của Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh, trong giai đoạn này sẽ đào tạo nghề cho 1.200 lao động nữ. Sau đào tạo nghề, các học viên được tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh và được Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Ban Kinh tế – Xã hội Hội LHPN tỉnh, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, mục tiêu là 960 lao động nữ có việc làm sau đào tạo.
Hội LHPN tỉnh cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm cho phụ nữ…, đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, phấn đấu mỗi năm đạt chỉ tiêu dạy nghề dưới 3 tháng cho từ 600 – 700 lao động; đào tạo nghề trình độ sơ cấp trở lên cho 200 – 300 lao động; 80% học viên sau học nghề có việc làm, tự tạo việc làm; duy trì, mở rộng, xây dựng các mô hình mới hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề với từ 10 – 15 mô hình tổ hợp tác/năm…
Thu Hạnh