Yên Bái xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của Vùng vào năm 2030.
Trả lời phỏng vấn VietnamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu phấn đấu trở thành một tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của Vùng vào năm 2030.
Ba đột phá chiến lược
Dựa trên những cơ sở nào, Yên Bái đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu này, thưa ông?
Việc này được xác định trên cơ sở đánh giá trình độ phát triển, tiềm năng, lợi thế so sánh, của Yên Bái với các địa phương trong vùng.
Tỉnh đã xây dựng bộ 19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng giai đoạn 2020 – 2025 theo hướng phấn đấu cao, thuộc vào nhóm các tỉnh khá trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy |
Trong đó, tỉnh Yên Bái đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo…
Từ đó, thực hiện phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện; đồng thời, khuyến khích các sở, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu phấn đấu cao hơn chỉ tiêu được tỉnh giao.
Tỉnh Yên Bái đã xác định đâu là những tiềm năng cần phát huy, đâu là những nguồn lực cần bồi đắp cho giai đoạn phát triển tới đây?
Tỉnh đã xác định 3 đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế của Yên Bái.
Đầu tiên là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ quyền lực; tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai là, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng với đó, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thứ ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Xin ông chia sẻ thêm về những nhóm nhiệm vụ đã được thiết kế để từng bước đưa Yên Bái “cất cánh”, sớm trở thành điểm sáng trong vùng?
Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 19 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Ba là, tích cực, chủ động thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Năm là, khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; tăng cường quản lý phát triển xã hội tiến bộ, công bằng, bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với bảo đảm kỷ cương xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Sáu là, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảy là, tăng cường quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Hà Quốc Tiến