YBĐT – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 174 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó, có 8 phòng khám đa khoa và 166 cơ sở hành nghề khác. Thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ KCB cho người dân trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo điều kiện thuận lợi trong cung cấp dịch vụ cho người dân.
Thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ KCB cho người dân trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo điều kiện thuận lợi trong cung cấp dịch vụ cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực của các cơ sở KCB tư nhân, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở KCB, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định của pháp luật về KCB, như: hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề, hành nghề khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn cho phép, việc ghi chép sổ khám bệnh và báo cáo hoạt động chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế…
Để chấn chỉnh các hoạt động KCB tư nhân trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người bệnh, đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-BYT ngày 4/7/2017 về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở KCB tư nhân, Sở Y tế Yên Bái đã chỉ đạo các phòng y tế, các trung tâm y tế, các phòng chuyên môn của Sở Y tế tăng cường tham mưu các biện pháp, công tác quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở y tế ngoài công lập.
Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế chuyên môn, tạo điều kiện cho các cơ sở KCB tư nhân trong hoạt động quảng cáo… các đơn vị trong ngành cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hoặc đột xuất các cơ sở KCB tư nhân, kịp thời phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực KCB. Trong đó, tập trung kiểm tra người hành nghề hoạt động chuyên môn của các cơ sở KCB tư nhân, việc thực hiện các quy chế chuyên môn, kiểm tra biển hiệu quảng cáo.
Khi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện cơ sở KCB sai phạm cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không bao che, tùy theo từng vi phạm cần có các mức độ xử lý phù hợp từ xử phạt, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đến tước chứng chỉ hành nghề KCB, tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động KCB của cơ sở KCB tư nhân theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn cần đăng ký danh sách người hành nghề tại cơ sở của mình về Sở Y tế; triển khai các hoạt động chuyên môn đúng phạm vi cho phép, theo đúng các danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt, các quy chế chuyên môn, nhất là thực hiện nghiêm túc quy định về chống nhiễm khuẩn trong khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở KCB tư nhân cần công khai các thông tin như: phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động; danh sách, văn bằng chuyên môn và phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề KCB; giá dịch vụ KCB; tên và địa chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh khi có sai phạm…
Khánh Linh