>>Huyện Yên Bình tổ chức “Ngày thứ Bảy cùng bà con giáo dân”
>>Yên Bình: Dân đồng thuận “xây” đường nông thôn mới
Năm 2023 huyện Yên Bình đặt ra mục tiêu có 50% trở lên nhà văn hóa (NVH) thôn đạt tiêu chuẩn NVH số. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc huy động mọi nguồn lực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các địa phương phát huy và khai thác hiệu quả giá trị sử dụng của các NVH, đưa NVH thôn thực sự trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, nơi cố kết tình cảm “làng xóm, láng giềng” của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hồ hởi góp công, góp của
Không mảy may suy tính thiệt hơn, anh Lương Văn Phóng – Trưởng thôn Làng Cạn, xã Mông Sơn đã tự nguyện hoán đổi mảnh đất thổ cư của gia đình rộng gần 600 m2 có vị trí thuận lợi để nhận lại mảnh đất rộng chưa đầy 200 m2 của xã (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho thôn khởi công xây dựng NVH do NVH thôn Làng Cạn được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ hẹp không đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Bà con trong thôn ai cũng mong ước sớm xây dựng được NVH rộng rãi hơn, nhưng khổ nỗi quỹ đất của thôn chỉ có chưa đầy 200 m2 .
Thấu hiểu điều này, Trưởng thôn Lương Văn Phóng đã chủ động đề xuất ý kiến đổi mảnh đất thổ cư rộng 600 m2 của gia đình cho thôn xây dựng NVH và nhận lại mảnh đất chưa đầy 200 m2, chênh lệch theo giá trị thị trường gia đình anh thiệt khoảng gần 100 triệu đồng. Công trình NVH thôn Làng Cạn có tổng trị giá 370 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 20 tấn xi măng, còn lại hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa và sức đóng góp của nhân dân.
Còn tại thôn Loan Thượng, xã Tân Hương, cuối tháng 2 vừa qua, hơn 100 hộ dân trong thôn đã có mặt đông đủ để dự Lễ khởi công xây dựng NVH. Công trình có diện tích sử dụng 215 m2, được thiết kế nhà xây cấp 4 đảm bảo 200 chỗ ngồi với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Trong đó huyện hỗ trợ 20 tấn xi măng, còn lại do nhân dân trong thôn đóng góp.
Anh Hoàng Văn Sơn – Trưởng thôn Loan Thượng cho hay: “Khi thôn có chủ trương xây mới NVH ai cũng vui mừng phấn khởi. Hộ gia đình ông Tạ Văn Bính tự nguyện hiến 100 m2 đất, các hộ trong thôn đóng góp 4 triệu đồng/hộ”.
Hiện tại công trình đang hoàn thiện, dự kiến khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 30/4 – 1/5 . “Tôi già rồi, lại thường xuyên ốm đau bệnh tật, nhưng khi thôn có chủ trương xây dựng NVH, tôi rất đồng tình ủng hộ. Kinh tế gia đình khó khăn, không góp tiền đủ một lần, tôi góp làm ba lần. Giờ đây, NVH sắp hoàn thành khang trang, sạch đẹp, nhân dân thoải mái hội họp, văn nghệ, thể thao, tôi vui lắm” – ông Hoàng Văn Huấn, hộ nghèo trong thôn bộc bạch.
Xã Tân Hương có 11 thôn. Chủ yếu bằng sức đóng góp của dân, từ năm 2021 đến nay, toàn xã đã khởi công xây mới 3 NVH trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Nhờ đó, cả 11 thôn đều có NVH đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho việc chuyển đổi số.
Có thể nói, chưa bao giờ phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là làm NVH thôn trên địa bàn huyện Yên Bình lại diễn ra sôi nổi như hiện nay. Với cách làm bài bản, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu đi trước, làm trước, gần dân, sát dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, huyện Yên Bình đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh trong dân.
Đồng chí An Hoàng Linh – Bí thư Huyện ủy Yên Bình (người thứ 3, từ phải sang) trao hỗ trợ 20 tấn xi măng cho nhân dân thôn Loan Thượng, xã Tân Hương khởi công xây dựng nhà văn hóa.
Từ các xã vùng thấp đến vùng cao, nơi đâu bà con cũng hồ hởi tự nguyện hiến đất, góp công, góp của để xây dựng NVH đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Quyết Thắng 1 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Cảm Nhân, toàn thôn có 140 hộ đồng bào Dao sinh sống. Trước đây, mọi cuộc họp của thôn đều phải mượn nhà dân, không có điểm vui chơi, giải trí. Thế nhưng hoàn toàn bằng sức đóng góp của dân, giờ đây Quyết Thắng 1 đã xây được NVH khang trang, sạch đẹp rộng gần 200 m2, trị giá trên 300 triệu đồng.
Bà Bàn Thị Thái vui mừng bộc bạch: Từ khi có NVH, đời sống tinh thần của bà con trong thôn được nâng lên, có nơi hội họp khang trang, có sân vui chơi thể thao, văn hóa văn nghệ, ai cũng vui, cũng phấn khởi”.
Riêng trong năm 2021, bằng sức dân, xã Cảm Nhân đã khởi công xây dựng 9 NVH thôn, các NVH đều có diện tích sử dụng từ 150 – 200 m2, trị giá từ 280 – 400 triệu đồng, đưa Cảm Nhân trở thành điểm sáng trong việc huy động sức dân xây dựng NVH ở huyện Yên Bình. Hiện tại 13/13 thôn của xã đều có NVH khang trang.
Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ: “Quá trình xây dựng NVH, bất cứ việc gì dù nhỏ hay to đều phải đưa ra bàn bạc trước dân, cùng với nhân dân đề ra kế hoạch cụ thể và động viên nhân dân thực hiện với quan điểm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; khi dân đã tin thì mọi việc dù khó đến mấy cũng vượt qua”.
Đi từ đời sống nhân dân để có cách khơi dậy sức dân linh hoạt, sáng tạo đã trở thành động lực để Yên Bình phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phong trào xây dựng NVH thôn.
Từ năm 2021 đến nay, với mức hỗ trợ của huyện là 15 tấn xi măng/1 NVH sửa chữa và 20 tấn xi măng/1 NVH xây mới, còn lại hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa và sức đóng góp của dân, huyện Yên Bình đã làm mới và sửa chữa được trên 50 NVH thôn, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Hiện tại, toàn huyện có 177 khu dân cư thì 100% khu đều có NVH khang trang đáp ứng nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn nghệ, thể thao của người dân. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Yên Bình sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình NVH số và NVH số nâng cao trên địa bàn toàn huyện.
Háo hức xây dựng nhà văn hóa số
Khác với các kỳ sinh hoạt trước, kỳ sinh hoạt định kỳ tháng 4 của Chi bộ Làng Cần, xã Đại Minh diễn ra khá sôi nổi, tất cả 28 đảng viên đều có mặt đông đủ tại NVH thôn, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Bởi, trước khi đến họp, họ đều được nghiên cứu đầy đủ tài liệu và nắm bắt các nội dung diễn ra tại cuộc họp đã đăng tải trên nền tảng “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” và được cài đặt trên điện thoại thông minh của từng cá nhân, từ đó, chủ động chuẩn bị ý kiến để tham gia phát biểu tại cuộc họp.
NVH thôn Làng Cần được xây dựng đã lâu hoàn toàn bằng sức đóng góp của dân, nhưng vẫn còn rất khang trang, sạch đẹp, có nhà vòm, nền lát gạch hoa sáng bóng và đầy đủ hệ thống trang thiết bị như quạt mát, tăng âm loa đài, bàn ghế, trang trí khánh tiết…
Ông Hoàng Thanh Nghị – Bí thư Chi bộ cho hay: “NVH thôn Làng Cần là một trong 6 NVH được xã Đại Minh chọn để xây dựng NVH số, bà con ai cũng vui mừng, háo hức, tự nguyện góp tiền mua sắm trang thiết bị và trả tiền thuê bao gói mạng hàng tháng”.
Từ khi có NVH số, mọi công việc hội họp của chi bộ, của thôn, xóm được triển khai thuận lợi hơn, nhất là việc triển khai học tập các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây vừa là nơi vui chơi, giải trí của nhân dân sau những giờ lao động mệt nhọc, vừa là địa điểm để tổ chức các cuộc thi, các cuộc tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo, bảo tồn bản sắc văn hóa của nhân dân và là mắt xích quan trọng cố kết cộng đồng khu dân cư.
Nhân dân thôn Làng Cần, xã Đại Minh thường xuyên tập luyện thể thao tại nhà văn hóa thôn.
Chị Nguyễn Thị Xuân – đảng viên trong Chi bộ và cũng là người tự nguyện trả thuê bao gói mạng Internet hàng tháng của NVH thôn vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi ít người, hàng ngày vợ chồng con cái đi làm hết, tôi lắp gói mạng vừa để gia đình dùng vừa phục vụ cho NVH, hàng tháng tôi trả tiền thuê bao, trong này cũng có cả lợi ích của gia đình”.
Với cách làm bài bản, lộ trình phù hợp, Yên Bình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp từ lòng dân trong việc xây dựng NVH thôn, NVH số. Đến thời điểm này (sau 3 tháng triển khai thực hiện xây dựng mô hình NVH số), huyện Yên Bình đã có trên 50% NVH thôn đảm bảo các tiêu chí của NVH số, trong đó có hơn 10% đảm bảo tiêu chí NVH số nâng cao.
Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Yên Bình An Hoàng Linh cho biết: “Tới đây huyện sẽ phát động Cuộc thi xây dựng NVH thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, thông minh sâu rộng trong toàn huyện. Phương châm là lấy sức dân để lo cho dân; ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phù hợp; phát động phong trào thi đua giữa các xã, thị trấn trong huyện và giữa các thôn, tổ dân phố trong xã, thị trấn; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân…”. Đây cũng là biểu hiện sinh động của bài học “lấy dân làm gốc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kiều Mười